Kiểm soát dịch bệnh: Cơ hội tốt đẩy mạnh lưu thông hàng hóa

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, nếu như không có các biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19 từ chính những người lưu thông hàng hóa, vận chuyển hay từ vùng dịch về sẽ rất khó đảm bảo bảo mục tiêu đề ra.
Kiểm soát dịch bệnh: Cơ hội tốt đẩy mạnh lưu thông hàng hóa ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, nên khuyến khích và động viên cũng như đánh giá đúng mức đối với các địa phương làm tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế-xã hội có hiệu quả.

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 27/10, Đại biểu Đỗ Thị Lan đã có một số trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Xin bà cho một số đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua và kinh nghiệm để tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu kép của một số địa phương?

Đại biểu Đỗ Thị Lan: Việc thực hiện chủ trương nhất quán để lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu là rất cần thiết, cần phải có một quy định của Chính phủ hoặc các bộ, ngành có liên quan để thực hiện.

Tuy nhiên, các quy định đưa ra phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và thứ hai nữa là phù hợp, hợp lý với sự luân chuyển, giao lưu và lưu thông của giao thông đến các địa phương.

[Quảng Ninh đánh giá an toàn dịch đối với các cơ sở kinh doanh du lịch]

Đối với các địa phương, trách nhiệm cao nhất là phải phòng chống dịch COVID-19 tốt. Cùng với đó là thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra là phát triển kinh tế-xã hội.

Đơn cử, ở tỉnh Quảng Ninh, nếu như không có các biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19 từ chính những người lưu thông hàng hóa, vận chuyển hàng hóa hay từ vùng dịch về sẽ rất khó đảm bảo mục tiêu đề ra.

Thực tế, một số cá nhân vừa xét nghiệm song vẫn có thể nhiễm bệnh và có thể lây lan dịch. Vì vậy, việc quan trọng là phải kiểm soát để phát hiện người bị nhiễm dịch COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn nhất cho tất cả mọi người xung quanh cũng như giúp cho việc xuất nhập khẩu và các hoạt động phát triển kinh tế.

Kinh nghiệm cũng cho thấy nếu như một người lái xe mà trong cả đoàn xe vận chuyển để xuất khẩu hàng hóa qua biên giới mà bị nhiễm dịch COVID-19 thì cả đoàn xe đó sẽ bị dừng lại và tất cả hàng hóa đó sẽ không được nhập khẩu. Như vậy sẽ lãng phí vô cùng lớn và hơn nữa ảnh hưởng tới kinh tế-xã hội.

Quan điểm của tôi là cần phải đánh giá toàn diện việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch cùng với thực hiện mục tiêu kép để phát triển kinh tế.

Muốn như vậy, Chính phủ các bộ, ngành cần có hướng dẫn một cách cụ thể, linh hoạt và phù hợp ưu tiên cho việc đảm bảo an toàn trước, qua đó thực hiện mục tiêu kép.

- Có ý kiến cho rằng mỗi địa phương có cách làm, quy định khác nhau, vậy theo bà chúng ta có nên có quy định cấp độ, mức độ cho từng địa phương không?

Đại biểu Đỗ Thị Lan: Như Thủ tướng đã nói, các địa phương phải linh hoạt, phù hợp nhưng phải tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và theo quy định chung.

Ví dụ, một cá nhân vừa ở địa phương có dịch, hay đi qua vùng có dịch thì khi về địa phương phải xét nghiệm. Nhưng khi người đó đến một địa điểm để chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa chẳng hạn, thời gian chờ đợi lâu dài, tiếp cận với nhiều người thì càng phải thận trọng, việc xét nghiệm càng cần thiết.

Kiểm soát dịch bệnh: Cơ hội tốt đẩy mạnh lưu thông hàng hóa ảnh 2Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trao đổi với phóng viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cách làm của Quảng Ninh cũng rất hiệu quả, theo đó các thành phần tham gia xuất nhập khẩu tại biên giới được tiếp đón tại một vị trí tập trung và được đảm bảo các điều kiện để ăn nghỉ cũng như chuẩn bị cho việc xuất khẩu qua biên giới thuận tiện nhất. Do vậy, đã góp phần rất quan trọng để thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu của Chính phủ, nhưng cũng đồng thời là đảm bảo được an toàn thực hiện mục tiêu kép của địa phương.

Hơn nữa, như Hải Phòng, Quảng Ninh, năm 2021 khả năng tăng trưởng kinh tế rất cao, thu ngân sách vượt so với kế hoạch đặt ra, so với dự toán thì vấn đề đảm bảo an toàn là vấn đề quyết định và cần phải quan tâm.

- Phải chăng vẫn còn một số nơi lúng túng trong việc ban hành các quy định để kiểm soát dịch bệnh?

Đại biểu Đỗ Thị Lan: Việc hướng dẫn đối với các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế và phòng chống dịch COVID-19 cần có sự thống nhất giữa các bộ chuyên ngành với bộ chuyên môn về y tế để làm sao vừa đảm bảo được phòng chống dịch COVID-19 an toàn; lưu thông được hàng hóa, thực hiện được các nhiệm vụ phát triển sản xuất-kinh doanh, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế khác của Chính phủ đã đề ra.

Cùng với đó, nên khuyến khích và động viên cũng như đánh giá đúng mức đối với các địa phương làm tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội có hiệu quả.

Nhiều địa phương cũng rất là suy nghĩ mình làm tốt và cũng góp phần cho đất nước. Ví dụ như xuất nhập khẩu là góp phần cùng cả nước và phát triển kinh tế của địa phương là thực hiện mục tiêu kép.

Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá là địa phương này khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát thì cũng nên có những đánh giá làm sao hài hòa hơn…/.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục