Kiểm soát đại dịch - lĩnh vực mới cho hợp tác quốc phòng ASEAN?

Quân đội của các nước ASEAN có khả năng y tế để hỗ trợ các cơ quan y tế công trong những thời điểm xảy ra đại dịch, đặc biệt là khi năng lực y tế có dấu hiệu căng thẳng khi các ca nhiễm tăng mạnh.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 ngày 18/11/2019. (Ảnh: Ngọc Quang-Hữu Kiên/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) là đại dịch. Ở Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đã báo cáo các trường hợp trong biên giới của họ, nhưng sự lây nhiễm của virus SARS-COV-2 và sự liên kết của khu vực Đông Nam Á có nghĩa rằng các nước ASEAN không bị ảnh hưởng có thể sớm chứng kiến các trường hợp nhiễm COVID-19.

Bất kỳ quốc gia ASEAN nào cũng có thể gặp phải sự đột biến về số ca nhiễm virus như đã thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi nhiệm vụ giảm nhẹ dịch bệnh phần lớn được giao cho cơ quan y tế các nước Đông Nam Á thì các tổ chức quốc phòng của các nước ASEAN cũng đang cho thấy rằng họ cũng tham gia kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong phạm vi nước họ, đặc biệt là nếu dịch bệnh leo thang và quá tải đối với các cơ sở y tế.

Ngày 19/2 vừa qua, Việt Nam - Chủ tịch ASEAN năm 2020 - đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hẹp (ADMM).

Mức độ nghiêm trọng của đại dịch đã được Việt Nam công nhận, từ đó đặt ra chương trình nghị sự của hội nghị là tập trung hợp tác đối phó với mối đe dọa y tế nghiêm trọng này.

Kết quả, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác chống dịch bệnh, trong đó các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cam kết hợp tác để đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Một cuộc khủng hoảng khẩn cấp và một cơ hội

Nhân lực, vật lực trong quân đội đã được chứng minh là hữu ích trong việc chống dịch bệnh COVID-19.

Ví dụ, ở Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai nhân viên y tế đến thành phố Vũ Hán, nơi bắt đầu bùng phát COVID-19.

Quân đội không chỉ có sẵn nhân viên y tế và thiết bị mà còn có cả năng lực về phòng thủ hóa học, sinh học và phóng xạ.

Điều đó có nghĩa là họ có thể hỗ trợ cho ngành y tế trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm như COVID-19.

Tất nhiên, những nguồn tài sản quân sự đó cũng phải phối hợp tốt với các cơ quan y tế.

Đó là khi đại dịch không thể kiểm soát và các cơ sở y tế bị quá tải thì quân đội có thể can thiệp và đảm nhận việc cung cấp các dịch vụ y tế như là phương sách cuối cùng.

Sự khẩn cấp do đại dịch gây ra có nghĩa là quân đội của các nước ASEAN phải sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự leo thang nào của đại dịch trong biên giới của họ, hoặc hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để phát triển ứng phó khu vực.

Điều này có thể đặt nền tảng cho sự hợp tác quốc phòng ASEAN về kiểm soát đại dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, có những rào cản tiềm tàng. Vấn đề lâu dài về chủ quyền, sự tranh cãi về việc triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của một nước, hoặc thậm chí phối hợp chặt chẽ với các quân đội nước ngoài, vốn có thể đòi hỏi phải chia sẻ thông tin nhạy cảm, có thể vẫn sẽ là những vấn đề mà ASEAN tiếp tục phải cân nhắc.

Sử dụng các cơ chế hiện có của ASEAN

ADMM có thể sử dụng các cơ chế hiện có để đối phó với đại dịch, ngay cả khi mục đích ban đầu của họ là nhằm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR).

Quân đội của các nước ASEAN có khả năng y tế để hỗ trợ các cơ quan y tế công trong những thời điểm xảy ra đại dịch, đặc biệt là khi năng lực y tế bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng trong bối cảnh các ca nhiễm tăng mạnh.

Tuyên bố chung tháng 2/2020 nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các tổ chức quốc phòng để giải quyết dịch bệnh.

Trung tâm Quân Y ASEAN (ACMM) là một cơ chế rõ ràng để bắt đầu. Một hành động chính được cam kết trong tuyên bố chung là thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa các tổ chức quốc phòng ASEAN để “tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, bao gồm cả việc xem xét [thực hiện] một cuộc diễn tập trong khuôn khổ [ACMM]…”

Điều này đánh dấu một sự thay đổi trong lĩnh vực trọng tâm của ACMM, khi trung tâm này được thành lập chủ yếu để giải quyết việc cung cấp y dược trong các thảm họa thiên tai.

[Indonesia huy động hơn 100 bệnh viện quân đội điều trị bệnh COVID-19]

Đây là một bước quan trọng để các tổ chức quốc phòng ASEAN tăng cường hợp tác về kiểm soát đại dịch trong toàn khu vực.

Khi đại dịch đi qua, ACMM cũng có thể đóng vai trò là trung tâm đào tạo để mô phỏng các đại dịch trong tương lai và đào tạo các quân đội ASEAN về năng lực ứng phó với đại dịch, tương tự như những gì đã làm với đào tạo HADR.

Một cơ chế khả thi khác là Nhóm thường trực Quân đội các nước ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (Nhóm AMRG về HARD)- một nhóm quân sự chung bao gồm các chuyên gia ASEAN sẽ được triển khai để giải quyết các trường hợp khẩn cấp, chủ yếu là thiên tai. Tuy nhiên, có những vấn đề tiềm ẩn.

Những lo ngại về chủ quyền vẫn tiếp tục lan rộng ở Đông Nam Á, và các nước ASEAN - ngay cả khi phải đối mặt với khủng hoảng - có thể từ chối sự hỗ trợ nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ liên quan đến quân sự.

Do đó, việc triển khai các lực lượng theo khuôn khổ của AMRG phải luôn tuân thủ các nguyên tắc chính của nhóm thường trực, điều quan trọng nhất là cần phải quy định rằng đó phải là quốc gia bị ảnh hưởng yêu cầu hỗ trợ, và các lực lượng được triển khai phải tôn trọng luật pháp của nước chủ nhà.

Hơn nữa, cần phải nhận thức rằng việc triển khai quân sự như vậy chỉ nên diễn ra khi các dịch vụ chăm sóc y tế và lực lượng quốc phòng của nước sở tại không thể đối phó với đại dịch.

Hợp tác quốc phòng trong bối cảnh địa chính trị bất ổn

Với bối cảnh địa chính trị bất ổn như hiện nay, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ phát triển như thế nào từ tác động của COVID-19 đối với cả hai nước, các nước ASEAN phải tập hợp ý chí chính trị để tiếp tục hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kiểm soát đại dịch.

Điều này sẽ giúp ASEAN xây dựng một cộng đồng gắn kết và nhạy bén hơn, như chủ đề mà nước chủ tịch Việt Nam đưa ra, và nó cũng sẽ giúp ASEAN duy trì tính trung tâm khi ASEAN thể hiện khả năng lãnh đạo trong hợp tác quốc phòng khu vực về kiểm soát đại dịch.

Do đó, các tổ chức quốc phòng ASEAN phải nỗ lực hợp tác và phối hợp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong khu vực và tuyên bố chung vừa qua là một bước đi đúng hướng.

Hợp tác quốc tế về kiểm soát đại dịch đã nổi lên như là một hành động dễ dàng đạt được, một điều mà các nước ASEAN và các đối tác đối thoại có thể đồng ý là cấp bách nhất tại thời điểm này.

Tới đây, các tổ chức quốc phòng ASEAN có thể có được những bài học rút ra từ đại dịch và thúc đẩy các phương thức hợp tác quốc phòng trong việc kiểm soát các dịch bệnh bùng phát trong tương lai.

Tất nhiên, các nước ASEAN sẽ phải suy nghĩ hợp tác như vậy có thể được tiến hành như thế nào trong khi chủ quyền quốc gia vẫn là bất khả xâm phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục