Kiểm soát chuỗi: 'Chìa khóa' thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm

Nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên.
Kiểm soát chuỗi: 'Chìa khóa' thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm ảnh 1Hội thảo về "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới." (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD hàng nông sản, thực phẩm. Cùng với đó, với mạng lưới cung ứng rộng khắp, các chuỗi thực phẩm và bán lẻ đã giúp bình ổn thị trường trong nước, ngăn chặn những nguy cơ đầu cơ, tăng giá trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Song, với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo quy trình hoạt động theo chuỗi.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo: "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30/6, tại Hà Nội.

Đảm bảo cung ứng thực phẩm an toàn và hàng thiết yếu

Trong hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới đã chịu tác động khá nặng nề. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội chặt theo Chỉ thị 16 của Chính phủ ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hàng hóa thiết yếu trong một vài thời điểm ghi nhận sự đứt quãng cục bộ tại một số nơi…

Trước bối cảnh đó, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bình ổn thị trường giá cả và bảo đảm lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ sản xuất, xuất nhập khẩu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Vụ Thị trường trong nước thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai.

[Quy định về an toàn thực phẩm với mỳ ăn liền và thanh long vào EU]

Cùng với đó, Vụ đã có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống cho người dân.

Ghi nhận của Vụ Thị trường trong nước, cho thấy trong năm 2021, các hệ thống phân phối hiện đại như Big C&Go, Satra Food, MM Mega Market, Sài Gòn Co.op… đã có các nỗ lực vượt bậc trong công tác tạo nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm an toàn cho các địa điểm cách ly y tế, bệnh viện và đặc biệt là người dân trong vùng dịch và phục vụ nhu cầu mua sắm với giá cả ổn định, chất lượng bảo đảm cho người dân trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Central Retail... cũng cam kết không tăng giá hàng hoá này. Việc này rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng do hàng hoá chống dịch hiện là một trong những mặt hàng có nhu cầu khá lớn, nhất là dịp cuối năm và lễ Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh lớn.

Đặc biệt, Chương trình kết nối cung-cầu do Bộ Công Thương tổ chức, thông qua chương trình, hệ thống phân phối chủ động tiếp cận các kênh phân phối hàng hoá an toàn, có sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý. Kết quả thu được đã có tới hàng trăm hợp đồng được ký kết.

"Hai đầu tàu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng triển khai đưa hàng hoá vào các kênh phân phối, chương trình đã giúp đảm bảo giá cả, hàng hóa không bị tác động của biến động thị trường, đây là điểm sáng hỗ trợ cho người dân,” bà Lê Việt Nga cho hay.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, việc tiêu dùng thực phẩm an toàn là một nhu cầu thiết yếu của người dân và vấn đề này cũng đang được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm.

Trong lĩnh vực này, thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, tương thích với yêu cầu hội nhập. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Cần tìm hiểu kỹ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật

Hiện nay, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi hàng trăm quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính nhất.

Dù vậy, chia sẻ một số vấn đề mới trong yêu cầu đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin thương mại quốc tế giữa các quốc gia, khu vực nói chung bị điều chỉnh bởi hệ thống các hiệp định thương mại tự do được ký kết ở cấp độ song phương hoặc đa phương.

Bên cạnh đó, bất kỳ sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu còn bị điều chỉnh bởi hệ thống các quy định của mỗi quốc gia. Các hệ thống quy định tại Hiệp định thương mại tự do hay tại quy định quốc gia thông thường sẽ bao gồm các “hàng rào phi quan thuế” và “hàng rào thuế quan.”

Khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Do đó, các vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… không còn thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư, nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Ông Tấn cho rằng để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp “hàng rào kỹ thuật về TBT” (“biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

“Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu,” ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.

Kiểm soát chuỗi: 'Chìa khóa' thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thực tế hiện nay, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, Việt Nam-EU (EVFTA)… đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thương mại của Việt Nam, song với các yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Dẫn chứng cụ thể từ EVFTA, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Icheck, EVFTA góp phần giúp các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường tiềm năng hơn 500 triệu người. Tuy vậy, doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được nhu cầu mà các nước Liên minh châu Âu (EU) đặt ra tại hiệp định này.

Với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt nhưng EU còn có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về Truy xuất nguồn gốc..., các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa các ưu đãi do EVFTA mang lại.

Đối với các tỉnh, nông sản là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tuy vậy, doanh nghiệp và nhiều nông dân cần có sự thay đổi trong sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được nhu cầu mà các nước Liên minh châu Âu (EU) đặt ra tại hiệp định này.

Không chỉ ở thị trường châu Âu, truy xuất nguồn gốc đã trở thành điều kiện xuất khẩu của nhiều thị trường xuất khẩu nông sản Việt quan trọng như Trung Quốc.

Cũng theo đại diện Icheck, hiện có 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải làm truy xuất nguồn gốc, là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.

Các loại nông sản, trái cây muốn xuất khẩu sang Trung Quốc ngoài những giấy tờ xuất khẩu thông thường, còn phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc trên bao bì. Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lựa chọn sử dụng tem nhãn dán lên trái cây; chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc, hoặc sử dụng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

“Muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tiên cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã Truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc đúng cần đảm bảo truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất-chế biến-phân phối sản phẩm và phải đảm bảo có 5 điều kiện truy suất…,” ông Nguyễn Văn Chính nói.

Hiện nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu, ví dụ như cam kết của doanh nghiệp, hoạt động thẩm xét và xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu, sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước...

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát An toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục