Kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán thịt lợn chưa kiểm dịch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/5, tổng số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch.

Tiêu hủy hơn 1,7 triệu con lợn

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lợn các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.

Trong khi đó, số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tháng 5/2019 giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.

[Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 46 tỉnh, thành phố trên cả nước]

Tính đến ngày 24/5, tổng số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước.

Tại một số địa phương, số lợn bị bệnh và tiêu hủy có tỷ lệ cao hơn như Hà Nội (có trên 147.000 con, chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình (trên 300.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên (trên 110.000 con, chiếm hơn 20% tổng đàn của tỉnh)...

- Số lợn bị bệnh và tiêu hủy tại một số địa phương tính đến ngày 24/5:

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ tháng Ba, sau khi có thông tin về tình hình bệnh tả lợn châu Phi lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước.

Tới cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, giá tăng nhẹ trở lại. Nhưng từ cuối tháng Tư đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm.

Hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000-33.0000 đồng/kg, giá lợn hơi miền Nam phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg (giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000-90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).

“3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung sẽ không quá lớn. Song nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn,” ông Tuấn nói.

"Hoảng loạn sẽ vỡ trận"

Thông tin thêm, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhiều quốc gia chăn nuôi trên thế giới đều đã có dịch tả lợn châu Phi từ lâu, song quá trình sản xuất và tiêu thụ thịt lợn vẫn diễn ra bình thường.

"Đây là tư duy đúng với căn bệnh nguy hiểm này. Nếu chúng ta hoảng loạn, chúng ta sẽ vỡ trận," ông Dương nói. 

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, “chưa bao giờ con lợn được kiểm soát chặt như bây giờ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cả các ngành chuyên môn vào cuộc...”

Ông Tuấn cũng khuyến nghị việc giết mổ và cấp đông để đưa thịt sạch, an toàn đến người dân bởi đây là giải pháp cần thiết hiện nay có thể giảm thiệt hại cho nông dân, giảm ngân sách nhà nước cũng như giảm ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn và nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung thịt lợn, kết hợp và chủ động đưa mặt hàng thịt lợn vào kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

“Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch,” ông Hải thông tin thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói những tác động của dịch tả lợn châu Phi đến nguồn cung trong nước:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục