Kiểm soát chặt vấn nạn chèn ép khách, nâng giá cước vận tải dịp Tết

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ trả lời phóng viên TTXVN về kế hoạch phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Kiểm soát chặt vấn nạn chèn ép khách, nâng giá cước vận tải dịp Tết ảnh 1Hành khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn. (Ảnh:Hoàng Hải/TTXVN)

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều mục tiêu đề ra của Bộ Giao thông Vận tải đang gấp rút về đích; trong đó, có dự án thu phí tự động không dừng (ETC) đang được dư luận quan tâm và cùng với đó là kế hoạch phục vụ cao điểm Tết.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ xung quanh vấn đề này.

- Ngày 31/12 là hạn cuối để hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng (ETC) trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng có cho biết kết quả thực hiện dự án đến thời điểm này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Cả nước hiện có hơn 90 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương quản lý. Đến nay, 44 trạm thuộc dự án giai đoạn 1 (BOO1) đã cơ bản lắp xong hệ thống thu phí tự động không dừng.

Các công việc tiếp theo đang được hoàn thiện như tiếp tục đẩy nhanh dán thẻ, phân luồng giao thông tạo ý thức cho chủ phương tiện trong sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền việc dán thẻ E-tag.

Đối với các dự án của Tổng công ty đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC), mặc dù Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi sau 31/12 tới nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục làm việc tháo gỡ nguồn vốn để thực hiện đầu tư thu phí tự động không dừng các tuyến cao tốc của VEC.

Đối với dự án giai đoạn 2 (BOO2) có 33 trạm, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung lắp thiết bị tại trạm đối với những trạm đủ điều kiện lắp đặt. Đến thời điểm này có thể nói cũng cơ bản hoàn thành.

[Ngành đường sắt giảm 50% giá vé tàu hoả trong tháng 1/2021]

Tuy nhiên trong số 33 trạm giao đoạn 2 có 8 trạm được xác định không đủ điều kiện lắp đặt thu phí tự động không dừng gồm 2 trạm doanh thu quá thấp là Mỹ Lợi và Thái Hà; 3 trạm thu phí đang báo cáo Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách là trạm Quang Đức trên Quốc lộ 14, Thái Nguyên-Chợ Mới trên Quốc lộ 3, trạm T2 trên Quốc lộ 91 và 3 trạm khác trên Quốc lộ 51 thời gian thu phí còn dưới 3 năm nên việc lắp đặt sẽ không hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ không hoặc chưa thực hiện.

Ngoài các trạm trên, hiện nay cũng còn một số trạm thu phí do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh), tỉnh Đồng Nai (trạm thu phí Đường tỉnh 768) và tỉnh Thái Bình (trạm thu phí Quốc lộ 39B) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai còn chậm so với tiến độ yêu cầu.

Để đảm bảo hoàn thành đồng bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Thái Bình đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt tại các trạm chậm tiến độ nêu trên.

Kiểm soát chặt vấn nạn chèn ép khách, nâng giá cước vận tải dịp Tết ảnh 2(Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)

Như vậy, đến thời điểm này, dự án về cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đặt ra. Thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, hoàn chỉnh để vận hành khai thác thuận lợi hơn.

Có thể nói một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh thu phí không dừng thời gian qua đó là việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến 31/12 nhà đầu tư nào không lắp hệ thống thu phí tự động không dừng thì sẽ dừng thu phí. Đây là chủ trương, giải pháp mạnh để yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện và đã đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc này.

- Nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới là đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Vậy, Bộ Giao thông Vận triển khai kế hoạch trên như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hoạt động vận tải trước, trong và sau dịp Tết là công việc thường xuyên của các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; trong đó, có Bộ Giao thông Vận tải là làm sao tạo điều kiện đi lại thuận tiện nhất cho người dân và chấp hành các quy định về vận tải.

Mục tiêu của chúng tôi là không để người dân thiếu phương tiện về quê ăn Tết; đồng thời, phải gắn với an toàn, văn minh, văn hóa trong đi lại của người dân.

Đặc biệt, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vẫn là ưu tiên số một. Công việc này không phải vào dịp Tết mới làm mà được làm thường xuyên, liên tục trong cả năm.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành đối với vấn đề vận tải phục vụ trong dịp Tết. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung tăng cường quản lý sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng an toàn, đáp ứng cho vận tải Tết.

Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung sửa chữa các hư hỏng đảm bảo êm thuận, rà soát hệ thống cọc tiêu, biển báo. Bên cạnh đó, tập trung xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Đối với phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức an toàn của lái xe và chủ phương tiện, đáp ứng yêu cầu.

Các quy định liên quan đến nội dung này đã đầy đủ nên cần triển khai truyền thông tốt; trong đó, đặc biệt nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, chủ phương tiện, doanh nghiệp và lái xe.

Trước khi xe lăn bánh, doanh nghiệp phải yêu cầu lái xe kiểm tra các điều kiện an toàn và bản thân lái xe cũng phải có ý thức an toàn khi điều khiển phương tiện trên đường.

An toàn trong vận tải hành khách đặc biệt phải coi trọng, kể cả với cự ly ngắn và cự ly dài. Vì vậy, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm đón trả khách, bến xe. Bên cạnh đó, các vấn nạn chèn ép khách, nâng giá cước cần được kiểm soát chặt chẽ.

Một giải pháp quan trọng khác được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện là yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Lực lượng Thanh tra giao thông được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ ở các nơi xuất bến; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử nghiêm các vi phạm, kiên quyết xử lý tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định; tăng cường kiểm tra xe container, đối tượng thường gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

- Để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, ngoài các yếu tố về đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thì việc kiểm soát lái xe kinh doanh vận tải cũng rất quan trọng. Vậy, giải pháp của Bộ về vấn này là gì?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Có thể nói trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là đối với đường bộ chỉ trong tích tắc có thể xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, phải có các giải pháp đảm bảo sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa các yếu tố tác động đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kỹ năng lái xe như ma túy, rượu bia.

Hiện trên phương tiện đã có thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, quản lý giám sát người điều khiển phương tiện để giảm nguy cơ lái xe gây mất an toàn.

Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tài xế có chở đúng tải trọng, có sử dụng chất gây nghiện như ma túy hay rượu bia hay không. Khi vận chuyển trên đường phải kiểm soát chặt thời gian lái xe của tài xế, không để lái xe lái quá thời gian quy định.

Đối với lái xe, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, trước khi điều khiển phương tiện, lái xe phải kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát lái xe vi phạm nồng độ cồn, rượu bia, ma túy cũng được coi trọng. Trách nhiệm này trước hết thuộc chủ doanh nghiệp, sau đó bản thân lái xe phải nhận thức được vấn đề này.

- Ngoài đường bộ, đối với lĩnh vực giao thông khác, kế hoạch triển khai phục vụ Tết như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hiện nay, vận tải hàng không quốc tế đang trong giai đoạn hạn chế vì dịch COVID-19, nên chỉ tập trung vận tải hàng không nội địa. Lượng khách cũng như mọi năm được dự báo chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tính toán tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngoài vận chuyển trên không phải chú trọng vấn đề bố trí phương tiện đón trả khách ở các cảng hàng không. Bên cạnh đó, vào các ngày cao điểm có thể kéo dài thời gian bay trong ngày, có thể bay cả ban đêm.

Hiện các hãng hàng không của Việt Nam có đủ số lượng tàu bay phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Chúng tôi cũng yêu cầu các cảng hàng không tính toán và tổ chức kết nối với đường bộ để giải tỏa khách phù hợp.

Ngành đường sắt cũng đã bán vé cho người dân trước trong và sau Tết. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tổ chức đưa đón khách tại các ga và bố trí các đoàn tàu phù hợp, thuận tiện cho người dân.

Bên cạnh đó, đường thủy nội địa cũng như hàng hải tập trung vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải ven bờ, giữa đất liền và ra đảo an toàn, đáp ứng đi lại của người dân./.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục