Kiểm soát chặt nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, tái xuất phế liệu

Hải quan các địa phương đã buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 503 container, trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 98 container phế liệu sắt, thép, 10 container phế liệu khác.
Kiểm soát chặt nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, tái xuất phế liệu ảnh 1Một số tổ chức, cá nhân nhập các lô hàng không đủ điều kiện về môi trường. Ảnh minh họa.

Chiều 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, ngành liên quan bàn về các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Theo Tổng cục Môi trường, tính đến cuối tháng 6/2019, số lượng container tồn đọng trên 90 ngày tại các cảng biển đã giảm mạnh, còn 7.450 container so với thời điểm cao nhất 10.124 container (tháng 11/2018).

Quy định về tạm nhập, tái xuất đang giao cho nhiều Bộ, các danh mục hàng hóa không quy định cụ thể các điều kiện đáp ứng môi trường theo điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2014 dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân nhập các lô hàng không đủ điều kiện về môi trường.

[Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến 2030]

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng tín hiệu khả quan bước đầu được ghi nhận khi cơ quan Hải quan của các địa phương đã buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 503 container, trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 98 container phế liệu sắt, thép và 10 container phế liệu khác.

Tuy vậy, các Bộ, ngành liên quan cần xem xét để nhanh chóng xử lý, kiểm soát cũng như hạn chế các tác động tiêu cực của các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu về môi trường; kiên quyết không để các phế liệu không đủ điều kiện vào Việt Nam, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức.

Các Bộ, ngành cần tham mưu những giải pháp quyết liệt trước mắt và lâu dài để đẩy mạn tái xuất toàn bộ hàng hóa là chất thải nhập khẩu vào Việt Nam, phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết để xử lý dứt điểm các container đang tồn đọng cần phân loại phế liệu theo đúng tiêu chí, xác định là chất thải sẽ yêu cầu chủ hàng vận chuyển ra khỏi lãnh thổ. Tuy vậy, các hãng tàu thực hiện việc tái xuất đang rất chậm. Nếu hãng tàu không thực hiện sẽ đề nghị Bộ Giao thông vận tải không cấp phép tiếp cho hãng tàu.

Bộ Công an cho rằng các Bộ cần thống nhất để xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chặt chẽ, tránh để cá nhân, đơn vị lợi dụng kẽ hở vi phạm pháp luật đối với việc nhập phế liệu không đảm bảo quy định về môi trường; trang bị các phương tiện kiểm tra nhanh cho phía hải quan để kiểm soát ngay tại cảng; có cơ chế để các cơ quan phối hợp chặt chẽ nhằm giảm thiểu các kẽ hở về mặt luật pháp.

Ông Trần Quang Hải, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, cần dùng từ chính xác là phế liệu bị nhiễm phóng xạ chứ không phải phế thải phóng xạ; sửa đổi các quy chuẩn đề cập đến phế liệu nhiễm phóng xạ phù hợp hơn với thực tế, nên quy định dưới dạng sử dụng các dụng cụ chuyên ngành để kiểm soát tại chỗ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tài chính rà soát, cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm quy định nhưng không thực hiện thủ tục tái xuất gửi về cơ quan cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, để xem xét tước quyền sử dụng giấy xác nhận.

Bộ Ngoại giao chủ trì nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực trong việc áp dụng kinh nghiệm đàm phán ngoại giao, thông lệ, tiền lệ quốc tế để thực hiện tái xuất hàng hóa là chất thải, hàng hóa vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục