Khoảng hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường thực phẩm phục vụ Tết ở Hà Nội vào mùa cao điểm với lượng cung dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.
Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, thành phố Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát về giá và vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời chỉ đạo Ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương nghiêm túc thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các lò mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sở Y tế Hà Nội đã kiện toàn bốn đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, triển khai hai hoạt động an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu y tế-dân số năm 2018 theo chỉ đạo của Trung ương...
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, đặc biệt lưu ý các địa phương quan tâm, giám sát chặt chẽ đối với nguồn cung cấp thực phẩm từ địa phương khác. Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học ở huyện Đông Anh cho thấy việc xử lý rất khó khăn khi cơ sở cung cấp ở ngoại tỉnh.
[Quản lý thị trường: Không 'bình mới rượu cũ', phải tổ chức chính quy]
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp ethanol. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường nắm chắc diễn biến thị trường, điều tra cơ bản và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng...; đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Tại cuộc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm mới đây ở huyện Hoài Đức, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện, cho biết trên địa bàn huyện có 2.494 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó lĩnh vực công thương quản lý 1.321 cơ sở; nông lâm thủy sản quản lý 470 cơ sở và lĩnh vực y tế quản lý 703 cơ sở.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân huyện đã thành lập 22 đoàn kiểm tra gồm hai đoàn tuyến huyện và 20 đoàn tuyến xã, thị trấn. Các đoàn đã kiểm tra 125 cơ sở, nhắc nhở, xử lý 44 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm chín cơ sở với tổng số tiền phạt là trên 52 triệu đồng; tiêu hủy nhiều hàng hóa như ô mai, hạnh nhân, thịt bò khô, bánh kẹo, rượu... với tổng giá trị hàng hóa trên 50 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng mặc dù rất tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, nhưng đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh. Vì vậy, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Hoài Đức cần chú trọng hơn nữa đến công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đối với những cơ sở sản xuất thực phẩm mới phát sinh hoặc mở rộng mặt hàng kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết; xử phạt nghiêm với những cơ sở vi phạm để răn đe kịp thời. Kết quả kiểm tra cần công khai ngay và phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, giúp người dân lựa chọn những cơ sở, sản phẩm thực phẩm uy tín và cảnh báo hàng kém chất lượng.
Cùng với các địa phương trên cả nước, Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; cảnh báo các mối nguy về an toàn thực phẩm; cương quyết xử lý các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn./.