Kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giá, chống thất thu ngân sách

Công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, đầy đủ, đúng với bản chất, dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm toán quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công, trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá.

Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, đầy đủ, đúng với bản chất, dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập.

Chuyển giá diễn biến ngày càng phức tạp

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế, không phân biệt quy mô và trình độ phát triển, trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế.

Ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm, “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ. Hiện nay, chuyển giá đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước.

Các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các doanh nghiệp thường sử dụng là chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; chuyển giá ẩn trong thu nhập có giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; chuyển giá đa chiều.

Báo cáo gần đây của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước cho thấy kết quả thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 doanh nghiệp khai báo kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (tăng 80% so với năm 2013) và kết luận các doanh nghiệp phải giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng tương ứng gần 82% và 112%.

Theo Kiểm toán Nhà nước, thống kê những năm qua cho thấy cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm.

Từ năm 2012, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình thanh tra kiểm soát giá chuyển giao trong giai đoạn 2012-2015. Qua thanh tra chuyển giá, hàng năm, ngành thuế đã thu về ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp FDI, đồng thời, vấn đề này cũng cho thấy hiện tượng chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI diễn biến phức tạp, phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước Trần Khánh Hòa, việc kiểm toán trong thời gian qua cho thấy công tác tổ chức kiểm toán đối với hoạt động chuyển giá còn hạn chế, kết quả kiểm toán chủ yếu là các phát hiện kiểm toán đơn lẻ, chưa đáp ứng được các yêu cầu, kỳ vọng của xã hội đối với lĩnh vực quản lý đặc thù này.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức kiểm toán để xem xét vấn đề quản lý thuế đối với giao dịch liên kết của doanh nghiệp có rủi ro về chuyển giá cao như doanh nghiệp FDI hay các liên doanh nước ngoài tại Việt Nam.

Phân tích những thách thức và khó khăn trong cuộc chiến chống chuyển giá, quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa cho rằng khó xác định quan hệ liên kết giữa các bên tham gia chuyển giá.

Bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm chống chuyển giá còn hạn chế về thông tin trong việc xác định những đối tác chuyển giá, để từ đó áp dụng các quy trình, thủ tục kiểm tra đánh giá về mức phù hợp củaa các mức giá giao dịch.

Kiểm toán Nhà nước cũng chưa thực hiện được một cuộc kiểm toán độc lập nào mà chỉ lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương để đánh giá hiệu quả công tác chống chuyển giá của các cơ quan thuế, cũng như chưa có cuộc kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập nào phát hiện được các hành vi chuyển giá có quy mô lớn.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển giá

Chủ tịch Ủy ban hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh Phan Vũ Hoàng cho biết trong môi trường thuế quốc tế hiện nay, với các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm Việt Nam), sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tính tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia, các hoạt động chuyển giá đã và đang ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước và Chính phủ. Nếu không có những biện pháp kịp thời nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động chuyển giá, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó tồn tại, sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn, giá trị nhập khẩu cao hơn giá trị xuất khẩu làm mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia.

Theo quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa, cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu về người nộp thuế.

Theo ông Hòa, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp nói chung trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan liên quan.

Bênh cạnh đó, cần coi trọng và tăng cường việc khai thác các thông tin, số liệu cũng như các nội dung kết luận kiến nghị trong các báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước để xác định hoạt động chuyển giá, đối tượng và chủ thể chuyển giá.

[Áp dụng công nghệ trong quản lý thuế để thích ứng với nền kinh tế số]

Kiểm toán Nhà nước nên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi, tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập và hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm chống gian lận, trốn thuế và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá.

Chủ tịch Hội Kế toán-Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần có sự phối hợp và sử dụng tốt kết quả kiểm soát của các chủ thể kiểm soát như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an đối với hoạt động chuyển giá.

Gian lận chuyển giá có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, làm thất thu ngân sách và mất công bằng giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư và chính sách an ninh tiền tệ quốc gia.

Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện chức năng kiểm tra đánh giá và xác nhận tính tin cậy, tuân thủ của các hoạt động chuyển giá cần có sự phối hợp và sử dụng có hiệu quả các kết quả kiểm tra của các chủ thể kiểm soát...

Kiểm toán Nhà nước đồng thời cần kiểm tra đánh giá tính tuân thủ, tính hiệu quả, tính hiệu lực trong các hoạt động của các chủ thể kiểm soát nhằm hạn chế tối đa các sai phạm, phát hiện và đưa ra các khuyến nghị cần thiết xử lý các sai phạm trong giao dịch nội bộ giữa các doanh nghiệp liên kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục