Kiềm chế nhập siêu: Không thể "đèn ai nấy rạng"

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tỷ lệ nhập siêu quí I/2010 đang là vấn đề “lo ngại” bởi con số dự báo đã lên đến 3,51 tỷ USD, tăng khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu, vượt xa cả chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra năm 2010 ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng các doanh nghiệp cần “bắt tay” tốt hơn để tiêu thụ các sản phẩm của nhau, nhằm giảm nhập siêu.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tỷ lệ nhập siêu quí I/2010 đang là vấn đề “lo ngại” bởi con số dự báo đã lên đến 3,51 tỷ USD, tăng khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu, vượt xa cả chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra năm 2010 ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu.

Tại cuộc họp bàn các giải pháp kiềm chế nhập siêu năm 2010 do Bộ Công thương tổ chức, sáng nay 25/3 với sự tham dự của các tập đoàn, tổng công ty và hiệp hội ngành hàng, nhiều vấn đề mấu chốt để hạn chế nhập siêu đã được đưa lên bàn nghị sự và chờ được “tháo gỡ”.

Nghịch lý nhập khẩu


Theo Bộ Công Thương, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất, thì việc nhập khẩu nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, điều bất cập là quá nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay đều phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu dẫn đến tình trạng nhập siêu tăng mạnh thời gian qua.

Dệt may vốn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu quí I dự kiến khoảng 2,25 tỉ USD. Nhưng theo ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, để xuất khẩu được 1,46 tỷ USD thì đồng thời cũng phải chi 991 triệu USD để nhập bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu…

Tương tự, đối với mặt hàng giấy, thì 60% nguyên liệu phải nhập khẩu; trong đó mỗi năm, bột giấy nhập 100 triệu, giấy loại 200 triệu USD.

“Lý do là các dự án sản xuất bột giấy gặp khó khăn là vốn nên vẫn chưa thể đi vào sản xuất và doanh nghiệp vẫn thích nhập khẩu giấy loại hơn mua trong nước vì giá thấp hơn, chất lượng phân loại cao hơn và thủ tục nhập khẩu cũng đơn giản hơn,” ông Nguyễn Việt Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, nhập siêu cũng đang chịu tác động kép vì giá các mặt hàng nhập khẩu thời gian qua lại tăng rất mạnh. So với cùng kỳ năm trước, giá thức ăn gia súc tăng 140%, lúa mì tăng 141%, xăng dầu tăng 27%, hóa chất tăng gần 40%, nguyên liệu dược phẩm tăng 61%, thuốc trừ sâu 51%, vải tăng 20%, máy móc tăng 12%, hàng điện tử tăng 60%...

Trong khi đó, mặt hàng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu là dầu thô, lại giảm tới 50% lượng xuất khẩu để phục vụ cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đáng quan ngại là trong khi xuất khẩu dầu thô giảm một nửa nhưng lượng xăng dầu nhập khẩu không những không giảm tương ứng mà còn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất.

Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm 2009, năm nay còn phải nhập thêm 200 triệu USD vàng bạc đá quý để ổn định thị trường trong nước.

Bàn về vấn đề nhập siêu, ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho rằng, do sức cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn chưa cao, nhiều mặt hàng trong nước tuy sản xuất được nhưng chất lượng và giá cả lại chưa đáp ứng với yêu cầu nên “vô tình” đã đẩy mức nhập khẩu lên cao.

“Các doanh nghiệp cơ khí, thép, lắp đặt  kết cấu công trình cần sử dụng và đặt hàng của nhau để tiết kiệm ngoại tệ, thời gian, chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đồng thời, rà soát giảm thiểu và hạn chế nhập khẩu thiết bị toàn bộ,” ông Trụ đề xuất.

Tính chuyện bắt tay hợp tác

Để hạn chế nhập siêu trong thời gian tới, Bộ Công thương đã đề ra một loạt các giải pháp như: đẩy nhanh tiến độ các công trình, xây dựng đẩy nhanh việc xác định các nhóm thị trường trọng điểm, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và phổ biến những ưu đãi từ những Hiệp định khu vực mậu dịch tự do cho các xuất khẩu …

Tuy nhiên, về lâu về dài, nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ thay cho các giải pháp thương mại như trước đây.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Công thương, ông Huỳnh Đắc Thắng cho rằng: "nên tập trung vào việc qui hoạch và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, vì đây mới là “mấu chốt của bài toán giảm nhập siêu thời gian tới,” ông Thắng nêu ý kiến.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, cần có những ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, bởi nếu áp dụng chung cho mức tăng trưởng tín dụng 25% thì rất khó đẩy mạnh xuất khẩu.

Để thống nhất các ý kiến đã nêu và cũng để vạch ra hướng đi cho việc thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa thị trường thì nhập siêu là việc tất yếu, nhưng cần phải thu hẹp cán cân thương mại.

Muốn làm được việc này thì trước tiên phải “nâng” được sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và “bắt tay” tốt hơn để tiêu thụ các sản phẩm của nhau, nhằm tiết kiệm ngoại tệ, tăng lượng tiêu thụ của hàng hóa trong nước góp phần vào chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó doanh nghiệp là người tiên phong trong vấn đề này.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, hiện Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã lên danh mục máy móc thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được mà không cần nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với hàng hóa trong nước mà không mất chi phí nhập khẩu.

Đồng thời, bộ cũng đã có đề nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được tiếp cận vốn thuận lợi, dễ dàng, không bị các nguồn vốn dành cho các nhu cầu khác theo lãi suất thỏa thuận nó ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục