Kịch nói-thành tựu lớn nhất của sân khấu VN hiện đại

Công chúng yêu kịch sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về kịch nói thông qua một cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tuần tới.
Công chúng yêu nghệ thuật sân khấu sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về một thành tựu văn hóa lớn nhất của sân khấu Việt Nam hiện đại là sự ra đời của thể loại kịch nói từ những thập niên đầu thế kỷ XX.

Hội thảo về Sự hình thành kịch nói ở Việt Nam sẽ diễn ra lúc 18 giờ, ngày 7/12, tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Nhiều chuyên gia như tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ đồng thời là dịch giả nổi tiếng Dương Tường... sẽ cùng gặp gỡ và giao lưu với công chúng tại đây.

Trong suốt thế kỷ XX, kịch Thái Tây là một quá trình văn hóa diễn ra chủ yếu ở khu vực thành thị. Đây là cách gọi của các nhà hoạt động sân khấu thời kỳ này vừa để chỉ kịch nói phương Tây truyền bá vào Việt Nam, vừa để chỉ nghệ thuật kịch nói Việt Nam mới hình thành trên cơ sở bản địa hoá kịch nói phương Tây.

Kịch Thái Tây khởi đầu từ Hà Nội và nhanh chóng lan rộng ra các thành phố lớn ở Việt Nam lúc bấy giờ, nhờ có đề tài, chủ đề và hình thức thể hiện gần gũi với con người đương đại, dễ xem, dễ hiểu và mới lạ.

Thời gian đầu, quá trình này là tự học, tự đào luyện về mọi phương diện thể loại kịch như Vũ Đình Long (19/12/1896 - 14/8/1960) viết, Thế Lữ dàn cảnh,n diễn xuất là những văn nghệ sĩ Hà Nội thích chơi kịch. Kể cả gu thưởng thức của công chúng cũng mang nặng tính nghiệp dư, tài tử... Phải đến nửa sau thế kỷ XX kịch Việt mới được đào tạo chính quy về mọi phương diện.

Trước khi có kịch Tây, Việt Nam đã có hoàn chỉnh một nền sân khấu truyền thống với lịch sử hàng ngàn năm như: rối nước, rối cạn, chèo cổ, tuồng cổ... Do vậy, sự tích hợp giữa truyền thống với kịch Tây chính là một thành tựu văn hóa lớn nhất của sân khấu Việt Nam hiện đại thế kỷ XX./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục