Kích hoạt tính ưu việt của xe buýt, metro để triệt tiêu xe cá nhân

Thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp về hạ tầng, mở rộng mạng lưới kết nối giữa các loại hình vận tải cộng cộng để thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân lựa chọn xe buýt và metro làm phương tiện đi lại.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao đang thu hút đông hành khách đi lại. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao đang thu hút đông hành khách đi lại. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Để phương tiện vận tải hành khách công cộng thu hút “thượng đế” hơn, theo cơ quan quản lý và các chuyên gia giao thông, trong giai đoạn tới, xe buýt, đường sắt đô thị (metro) phải cạnh tranh được với phương tiện cá nhân ở các yếu tố gồm: Chi phí đi lại, tính an toàn (an toàn trong tiếp cận nhà ga, quá trình chuyển phương tiện, khi ngồi trên xe) và thái độ phục vụ.

Chưa đạt được chỉ tiêu khách đi vận tải công cộng

Tại buổi tọa đàm “Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?" do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 26/9, theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, những năm qua, năng lực tuyến vận tải hành khách công cộng đã có những kết quả như phủ rộng 100% các địa bàn quận huyện, cùng với đường sắt đô thị, mạng lưới đã giúp dần trở thành phương tiện nòng cốt, có nhiều chính sách thu hút người dân vượt trội hơn so với các hình thức khác.

“Ước đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý. Mục tiêu đặt ra đến năm 2024, đáp ứng 22-25% nhu cầu đi lại; con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025, đây là con số rất thách thức,” ông Tiến đánh giá.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Tiến cho rằng tốc độ chuyến đi vẫn chậm, thời gian đi lại của hành khách vẫn chậm vào khung giờ cao điểm, chỉ đạt trung bình 12,7km/h. Tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ chưa được như kỳ vọng, cơ chế chính sách được thành phố ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Khẳng định tỷ lệ người dân chọn xe buýt, metro làm phương tiện đi lại mới đạt 19% trong tổng lưu lượng hành khách, ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông chỉ ra con số này có được là nhờ có đóng góp lớn từ hai tuyến metro và mức độ phục vụ tốt hơn của hệ thống xe buýt.

“Metro có đường trên cao nên không xung đột, ùn tắc với phương tiện khác. Riêng xe buýt chỉ rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như các tuyến BRT,” ông Bình quả quyết.

vnp_toa-tau-Nhon.jpg
Với làn đường trên cao riêng, không bị ùn tắc và ô nhiễm môi trường, các tuyến metro đang được nhiều người lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết phát triển giao thông công cộng gồm 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1, giao thông công cộng phục vụ những người không có phương tiện đi lại. Giai đoạn thứ 2 là phương tiện giao thông công cộng cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3, phương tiện vận tải công cộng là sự lựa chọn yêu thích của người dân.

“Xe buýt Hà Nội đang đứng giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (cạnh tranh về giá cả, chưa cạnh tranh được về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm đích). Với đường sắt đô thị, do đặc điểm tự nhiên vốn có, hiện đã ở giai đoạn 2 đó là cạnh tranh cả về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi, giá cả,” ông Trường nhìn nhận.

Xe buýt, metro là "một gia đình"

Để vận tải hành khách công cộng (xe buýt, tàu điện) thu hút khách, ông Nghiêm Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng cần rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe; chất lượng phương tiện; mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ đi đôi với chất lượng; cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ.

Góp ý thêm, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro nhìn nhận giai đoạn tới xe buýt tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ. Đối với phương tiện vận tải công cộng, không có phương tiện nào ra đời triệt tiêu phương tiện khác. Các phương tiện vận tải công cộng là "một gia đình" nếu phối hợp với nhau thì sẽ giúp cả hệ thống cùng khỏe.

Với đường sắt đô thị, Hanoi Metro sẽ cố gắng chuyển sang giai đoạn trở thành sự lựa chọn đi lại yêu thích của người dân không chỉ vì tính tiện lợi, thời gian, tính an toàn. Đây còn là phương tiện xanh, tiến tới phát triển bền vững, giảm tác động của phương tiện cá nhân đến môi trường.

“Theo xu hướng phát triển tự nhiên, người dân sẽ thích sử dụng xe cá nhân hơn là phương tiện công cộng. Thực tế đó, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có cơ chế chính sách kích hoạt tính ưu việt của phương tiện công cộng và kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân một cách hợp lý,” ông Trường góp ý.

vnp_xe buyt Ha Noi.jpg
Xe buýt tại thành phố Hà Nội vẫn đang gặp nhiều rào cản về tốc độ di chuyển do chung làn đường với các phương tiện khác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về giải pháp, theo ông Trường, thành phố Hà Nội cần xác định rõ, vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu; tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.

Ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải đảm bảo vấn đề kết nối cho người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT mới có thể gia tăng khách chọn làm phương tiện đi lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục