Kịch cổ điển thế giới trở lại sân khấu Hà Nội với ‘chiếc áo’ mới

Ba kiệt tác sân khấu thế giới gồm “Hồng lâu mộng,” “Lão hà tiện,” “Romeo và Juliet”) sẽ trở lại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) trong tháng 12.
Kịch cổ điển thế giới trở lại sân khấu Hà Nội với ‘chiếc áo’ mới ảnh 1“Lão hà tiện” - một trong những kiệt tác của nhà soạn kịch lừng danh người Pháp Molière sẽ đến với khán giả vào tối 10, 11/12. (Ảnh: BTC)

Ba kiệt tác sân khấu thế giới gồm“Hồng lâu mộng,” “Lão hà tiện,” “Romeo và Juliet” sẽ trở lại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) trong tháng 12.

Chuyện tình phương Đông

Theo đó, “Hồng lâu mộng” sẽ được công diễn vào tối 8, 9/12. Phiên bản “Hồng lâu mộng” này là kết quả hợp tác giữa các nghệ sỹ Việt Nam và đạo diễn Singapore Chua Soo Pong.

Là một trong “tứ đại danh tác'” của văn học cổ điển Trung Quốc, thế giới của “Hồng lâu mộng” chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống, nhân sinh. Tác phẩm này vẫn luôn là một “ca khó” đối với các đạo diễn khi chuyển thể sang những phiên bản điện ảnh, truyền hình và sân khấu.

[Trung Quốc rốt ráo tìm diễn viên cho phim “Hồng lâu mộng” mới]

Đạo diễn Chua Soo Pong cho biết, mặc dù “Hồng lâu mộng” (Tào Tuyết Cần) là một tiểu thuyết rất dài (với nhiều chương, hồi và có số lượng nhân vật lớn) nhưng ở bản dựng này, ông chỉ tập trung vào những chương liên quan đến tình yêu giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Từ đó, cuộc sống của một gia đình quý tộc phong kiến Trung Hoa thời nhà Thanh (từ khi hưng thịnh cho đến lúc suy vi) sẽ được tái hiện trên sân khấu kịch.

Kịch cổ điển thế giới trở lại sân khấu Hà Nội với ‘chiếc áo’ mới ảnh 2Ở bản dựng này, đạo diễn chủ yếu khai thác câu chuyện tình duyên trắc trở giữa Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc. (Ảnh: BTC)

“Nhiều câu chuyện tình yêu của phương Tây đã được tái hiện trên sân khấu kịch Việt Nam. Bởi vậy, qua việc tập trung làm nổi bật chuyện tình duyên trắc trở giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, tôi hy vọng mang đến cho khán giả cái nhìn so sánh, để hiểu hơn về những khác biệt văn hóa giữa phương Đông-phương Tây,” đạo diễn chia sẻ.

Trở lại với “chiếc áo” mới

Sau “Hồng lâu mộng,”

“Lão hà tiện” - một trong những kiệt tác của nhà soạn kịch lừng danh người Pháp Molière sẽ đến với khán giả vào tối 10, 11/12.

Tác phẩm khắc họa những mặt trái của xã hội tư sản, những thói hư tật xấu của một bộ phận tầng lớp thượng lưu Pháp ở thế kỷ 17. Apragon - nhân vật chính của vở kịch là một kẻ keo kiệt, ti tiện, luôn nghi ngờ tất cả những người xung quanh. Lão chỉ muốn gả con gái cho người nào không cần của hồi môn và con trai lấy người nào có nhiều của hồi môn mang về nhà chồng.

Một trong những điểm mới của phiên bản “Lão hà tiện” này là sự kết hợp các điệu nhảy cổ điển với các vũ điệu break dance hiện đại, hay đan xen những màn đu dây (thường chỉ thấy ở những tiết mục xiếc) vào giữa các cảnh…

Kịch cổ điển thế giới trở lại sân khấu Hà Nội với ‘chiếc áo’ mới ảnh 3Một cảnh trong vở "Lão hà tiện." (Ảnh: BTC)

“Những câu chuyện, thông điệp từ thế kỷ 17 nhưng cho đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Trong cuộc sống, xã hội hiện nay, vẫn tồn tại đâu đó những con người như Apragon, sẵn sàng vì đồng tiền mà chà đạp lên tất cả,” đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Tuấn Hải nói về lý do của việc lựa chọn một kịch bản cũ để đưa lên sân khấu.

“Romeo và Juliet” (tối 15, 16/12) sẽ khép lại chuỗi đêm diễn kịch cổ điển thế giới lần này.

Cũng giống như “Lão hà tiện,” bản dựng “Romeo và Juliet” này của đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Anh Tú cũng có nhiều điểm mới để thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ: những vũ điệu hiện đại (như clacket…) được đưa vào vở diễn để thể hiện những xung đột kịch; ca sỹ và dàn đồng ca hát live (hát trực tiếp) trên sân khấu cùng các diễn viên…

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố mới trong cách thức dàn dựng, êkíp vẫn tôn trọng nội dung, thông điệp trong nguyên tác “Romeo và Juliet.”

Đó là câu chuyện tình đẹp nhưng bi thảm tại thành Verona (Italy). Romeo (dòng họ Montaghiu) và Juliet (dòng họ Capulet) yêu nhau say đắm nhưng không thể đến được với nhau do mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ.

Juliet bị ép gả cho Bá tước Paris. Nhờ sự giúp đỡ của tu sỹ, nàng đã uống một liều thuốc ngủ để giả chết trong vòng 24 giờ. Bởi thế, đám cưới giữa Juliet và vị bá tước lại trở thành đám tang. Thi thể Juliet được đưa xuống hầm mộ của gia đình.

Nghe tin Juliet qua đời, Romeo đau đớn và uống thuốc độc tự tử. Khi Romeo vừa gục xuống cũng là lúc thuốc ngủ của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh. Quá tuyệt vọng, nàng rút dao tự vẫn.

Tính thời đại của “Romeo và Juliet” nằm ở thông điệp nhân văn về tình yêu và lòng thủy chung. Sức mạnh của tình yêu và sự chung thủy đã vượt qua được những hận thù truyền kiếp. Chính bởi vậy, dù ra đời từ cách đây hơn bốn thế kỷ nhưng “Romeo và Juliet” không hề cũ mòn và chưa bao giờ là câu chuyện của ngày hôm qua!

Hơn nữa, hình tượng nhân vật Romeo (với vẻ si mê, đắm đuối trong tình yêu hòa lẫn cùng sự can trường, quyết liệt) và Juliet (vừa có những dại khờ của một thiếu nữ lại vừa có những ưu tư của một người đàn bà đa đoan) vẫn cuốn hút nhiều thế hệ khán giả.

Trong dịp này, hai vở kịch thuần Việt (“Kiều”“Bão tố Trường Sơn”) cũng sẽ tái ngộ khán giả Hà Nội vào các ngày 14, 17, 21, 22/12 tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Kịch Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục