Kích cầu hàng Việt: Hướng tới người tiêu dùng Việt ở nước ngoài

Bộ Công Thương đã chỉ đạo 63 thương vụ ở nước ngoài chắp nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối ngoài nước, giúp kiều bào Việt Nam có thêm nhiều cơ hội dùng hàng Việt Nam.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.' (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dù đánh giá cao sức lan tỏa trong việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong gần 7 năm qua, nhưng theo Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần phải có định lượng cụ thể để đánh giá hiệu quả của cuộc vận động này.

Nhấn mạnh tại Hội nghị "Sơ kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016" của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức sáng 15/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năm 2014 chỉ trên 50% số bộ ngành và địa phương thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động, ​còn trong năm 2015 vẫn chưa có báo cáo cụ thể.

"Năm 2106 có đề ra được chỉ tiêu định lượng nào không? Đơn cử như mức độ tiêu dùng tăng hay giảm hoặc sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng như thế nào? Điều này cần lượng hóa nhằm đánh giá hiệu quả một cách cụ thể," Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, các địa phương đã tổ chức được gần 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 20.000 tỷ đồng...

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam lại chỉ ra những hạn chế của chương trình hàng Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường nông thôn.

Theo ông Môn, dù chiếm tới 70% sức tiêu thụ trong nước nhưng khu vực này lại phải chịu sự hoành hành của các loại hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.

​"Người dân phàn nàn khi sản xuất ra hàng chất lượng cao thì tiêu thụ nhưng khi bỏ tiền ra xài thì toàn hàng chất lượng thấp," lãnh đạo Hội nông dân Việt Nam cho hay.

Doanh nghiệp đang quảng bá thương hiệu trái cây tới người tiêu dùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cùng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hàng hóa Việt Nam muốn tiêu thụ được thì trước tiên phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Ông cũng bức xúc về nhiều mặt hàng là nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh, thậm chí phải đổ bỏ như sữa tươi, dưa hấu, thanh long...

"Nếu không đi vào thực chất thì dân cũng không hưởng ứng vì suy cho cùng giá cạnh tranh, đảm bảo chất lượng thì mới tồn tại được," ông Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến.

Để triển khai có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đã chỉ đạo 63 thương vụ ở nước ngoài có chương trình để chắp nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối ở thị trường nước ngoài, giúp cho người Việt ở nước ngoài có thêm nhiều cơ hội dùng hàng Việt Nam.

Còn trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với 20 tỉnh thành xây dựng được 31 điểm bán hàng Việt với nhận diện rất rõ ràng, nhằm thông tin cho người dân về hàng hóa sản xuất trong nước cũng như khẳng định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

"Các chương trình hàng Việt đang phát huy kết quả tốt và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới, do vậy hoạt động bảo vệ thương hiệu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hiệp hội bảo vệ thương hiệu và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Bộ khoa học và Công nghệ...," lãnh đạo Bộ Công Thương đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục