Kịch bản phục hồi theo hình chữ K của nền kinh tế thế giới

Các nhà kinh tế và phân tích thị trường đã liên tục tranh luận về các kịch bản phục hồi kinh tế thế giới sau giai đoạn suy thoái nghiêm trọng do dịch COVID-19.
Kịch bản phục hồi theo hình chữ K của nền kinh tế thế giới ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu, các nhà kinh tế và phân tích thị trường đã liên tục tranh luận về các kịch bản phục hồi kinh tế thế giới sau giai đoạn suy thoái nghiêm trọng do nhiều quốc gia áp dụng các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.

Liệu tiến trình phục hồi sẽ diễn ra theo hình “chữ V,” tức kịch bản nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ sau khi giảm tốc? Hay quá trình phục hồi sẽ có hình “chữ W,” tức một đợt phục hồi ngắn sau đó là một giai đoạn suy thoái khác khi các lệnh phong tỏa được áp dụng trở lại nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai?

Một số người khác thì “đặt cược” vào kịch bản phục hồi theo hình “dấu tích,” trong đó sau giai đoạn suy thoái ngắn hạn sẽ là đường cong phục hồi giống như logo của hãng thể thao Nike.

Theo bài phân tích trên mạng tin Arab News, kịch bản mới nhất thu hút sự chú ý của các nhà phân tích là phục hồi hình “chữ K.”

[Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới]

Trong kịch bản này, sự sụt giảm theo chiều thẳng đứng đã xảy ra, giống như những gì thị trường chứng khoán và dầu mỏ đã chứng kiến trong tháng Ba và tháng Tư năm nay, và nối tiếp sau đó là hai mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực và một bên suy giảm mạnh. Nếu quan sát nền kinh tế toàn cầu, chúng ta có thể nhận thấy kịch bản này đang xảy ra.

Tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhanh chóng, thậm chí vươn tới mức cao nhất mọi thời đại, với chỉ số S&P 500 lấy lại tất cả những gì đã đánh mất hồi tháng 3/2020 và thậm chí còn bùng nổ hơn nữa. Điều đó thể hiện trong nét hướng lên trên của mô hình phục hồi hình “chữ K."

Tuy nhiên, nhiều chỉ số khác lại đang vận động theo chiều hướng ngược lại. Sản lượng kinh tế được đo bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng giảm, thất nghiệp tăng lên và các số liệu thống kê về phá sản và nợ nần đều rất tiêu cực. Đó chính là giai đoạn suy thoái trong nét đi xuống của “chữ K."

Những đặc điểm này chắc chắn có thể lấy Mỹ làm ví dụ trung tâm, mặc dù một điểm đáng chú ý khác là nền kinh tế Trung Quốc lại đang hoạt động giống hình “chữ V.”

Giai đoạn suy thoái kinh tế mạnh mẽ trong tháng Ba đã khép lại và các biện pháp nghiêm ngặt được Bắc Kinh áp dụng để chống lại sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã có tác dụng đáng kể.

Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có tăng trưởng GDP dương trong năm nay và các chỉ số chứng khoán Trung Quốc, giống như S&P, đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch.

Đối với Mỹ, bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn bởi thực tế là chỉ một số bộ phận nhất định của thị trường chứng khoán đang "tận hưởng" nét phục hồi trong hình “chữ K.”

Chỉ số S&P 500 được cho là một thước đo rộng rãi về “sức khỏe” của các công ty Mỹ, nhưng trên thực tế, chỉ một số ít công ty được coi là có thể trạng tốt, xét trên màn trình diễn của giá cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ vốn được thống trị bởi các công ty công nghệ như Apple, Alphabet (công ty “mẹ” của Google) và Amazon, cho đến nay, đã thích ứng với khủng hoảng rất tốt.

Apple gần đây đã trở thành công ty thứ hai trong lịch sử đạt mức vốn hóa thị trường hơn 2.000 tỷ USD, sau khi Saudi Aramco làm điều tương tự trong những ngày sau khi niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm ngoái.

Cùng với Microsoft và Facebook, “5 ông lớn” công nghệ cao của thị trường chứng khoán Mỹ chiếm 1/4 mức tăng của thị trường kể từ vụ sụp đổ hồi tháng Ba.

Tuy nhiên, do quy mô của các gã “khổng lồ” công nghệ quá lớn, họ đã làm sai lệch hiệu suất thực của các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Một phân tích gần đây cho thấy giá trị của gần 1/4 tất cả các thành tố trong S&P đã giảm hơn một nửa so với mức cao nhất mọi thời đại; cổ phiếu trung bình trên thị trường Mỹ, không bao gồm các tập đoàn khổng lồ công nghệ, đã giảm gần 30% giá trị so với thời điểm tốt nhất.

Miễn là chỉ số S&P vẫn đang tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có lý do để tuyên bố rằng giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay không quá tệ.

Tuy nhiên, lý thuyết đó không thể che giấu một thực tế dưới bề mặt rằng nhiều công ty đang chịu thiệt hại nặng nề và đang ngày càng phải đối mặt với các giới hạn tài chính khi những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 còn tiếp diễn và kéo dài.

Trong khi đó, tại các thị trường Arab vùng Vịnh, tình hình có phần phức tạp hơn do bao hàm yếu tố dầu mỏ. Ngay cả những thị trường không phụ thuộc quá nhiều vào các công ty năng lượng thì nguồn lợi từ giá dầu cũng là thứ không thể bỏ qua, bởi nguồn thu này cho phép thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tạo đà chi tiêu của chính phủ.

Do đó, hình dạng phục hồi của thị trường trong khu vực không phù hợp với bất kỳ mô hình chữ cái nào, V, W hoặc K.

Các thị trường đã chịu tác động mạnh mẽ trong tháng Ba và tháng 4/2020, và không giống như các chỉ số của Mỹ, chứng khoán vùng Vịnh đã không lấy lại được mức cao của những ngày trước đại dịch. Có lẽ chỉ có sự phục hồi bền vững của giá dầu mới đưa họ trở lại thời kỳ “hoàng kim” đó.

Chỉ có duy nhất một ngoại lệ cần lưu ý. Bất chấp những đổ vỡ trên thị trường dầu mỏ, cổ phiếu của tập đoàn Aramco của Saudi Arabia gần như đã trở lại mức cao của những ngày sau IPO.

So sánh với các công ty dầu mỏ khác trong ngành, Aramco đã vượt qua cuộc khủng hoảng này tốt hơn nhiều so với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục