Tăng trưởng ấn tượng trong quý 1 nhưng đến quý 2, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm nhanh cả về điểm số lẫn thanh khoản, trong khi khối ngoại liên tục bán ròng. Sang quý 3, thị trường vẫn chưa có nhiều khởi sắc khiến giới đầu tư lo ngại.
Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sau một thời gian điều chỉnh đã về mức định giá hấp dẫn; đồng thời thị trường sẽ phục hồi một cách "chậm rãi" từ nay đến cuối 2018 với động lực đến từ sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Bệ đỡ từ nội lực nền kinh tế
Theo nhóm nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), đến lúc này, mùa báo cáo bán niên đã hoàn chỉnh và các doanh nghiệp có cổ phiếu trong rổ VN30 (30 mã chứng khoán dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam về giá trị vốn hóa cũng như tính thanh khoản) có doanh thu tăng gần 23% và lợi nhuận cũng tăng hơn 21% so với cùng kỳ.
Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc MBS, đánh giá sự ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn là nền tảng cho sự phát triển của thị trường. Kinh tế Việt Nam hiện nay nhìn chung đang trong trạng thái tốt với tăng trưởng cao, lạm phát vừa phải và tỷ giá trong tầm kiểm soát.
“Chúng tôi không nhìn thấy rủi ro đáng kể nào từ yếu tố trong nước tác động mạnh lên thị trường chứng khoán trong thời gian tới và thị trường sẽ phục hồi lên mức 1.100 điểm vào thời điểm cuối năm 2018," ông Hà nói.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn cơ hội tăng trưởng lên mức khoảng 1.000 điểm từ giờ đến cuối năm, còn lên mức cao hơn thì ít có khả năng với điều kiện của thị trường hiện nay.
Dự báo ngành ngân hàng từ giờ đến cuối năm vẫn rất tốt thông qua báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng khả quan, từ nguồn thu về dịch vụ, xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đến hoạt động tín dụng.
"Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn rất tốt, có thể là cú hích để dẫn dắt thị trường chứng khoán tăng. Bên cạnh ngành ngân hàng thì khả năng cổ phiếu bất động sản có cơ hội tăng trưởng," ông Tín nhận định.
Đánh giá về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho rằng sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng toàn cầu và dự đoán của các chuyên gia. Đây cũng là những tín hiệu tuân thủ quy luật chung của thị trường.
Bên cạnh các thách thức, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội dựa trên mức tăng trưởng GDP của năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp đầu tư cải tiến sản xuất kinh doanh, vượt qua thách thức cũng như vươn lên.
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định.
Bên cạnh đó, Moody's cũng dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4%/năm trong giai đoạn 2018-2022. Nền kinh tế Việt Nam có cả sức mạnh kinh tế cùng với mức tăng trưởng và sức cạnh tranh cao khi đang chuyển hướng phát triển sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
[VN-Index bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại]
Đánh giá của Moody’s được đưa ra dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ việc sử dụng ngày càng hiệu quả lực lượng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế.
Việc nâng mức xếp hạng nói trên đối với Việt Nam cũng cho thấy sự cải thiện "sức khỏe" của ngành ngân hàng mà Moody's dự báo.
Rủi ro từ yếu tố bên ngoài
Cùng với nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể tiếp tục leo thang, vấn đề biến động tỷ giá, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và thời gian tới.
Theo nhóm nghiên cứu đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tình hình thế giới đã trở nên "bất trắc" hơn bởi ngoài căng thẳng thương mại chưa có hồi kết còn xuất hiện những lo ngại về sự giảm giá mạnh của đồng lira (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng châu Âu.
Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ đã có chuỗi tuần giảm giá dài chưa từng thấy với 9 tuần giảm giá liên tiếp. Câu chuyện tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và khối ngoại vẫn là tác nhân tạo ra điểm trừ cho thị trường.
Hiện nay, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở mức khoảng 2,98%. Giới chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho kịch bản lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên mức 5%, thậm chí cao hơn.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) Trần Hải Hà, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có xu hướng tăng trong hơn 1 năm qua và ở mức cao so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách bình thường hóa chính sách tiền tệ sau một thời gian dài nới lỏng và nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt với tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến áp lực lạm phát tăng lên.
Nhìn lại quá khứ, tại những thời điểm nền kinh tế Mỹ phát triển thì lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm thường ở mức 4,2-4,6%. Do đó xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ thời gian qua là biểu hiện bình thường của nền kinh tế.
Nhìn chung, lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tương đối dài đến khi Fed kết thúc quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của mình, dự kiến đến năm 2020.
Trong ngắn hạn, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng có tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét trong một chu kỳ dài hạn thì đây là diễn biến bình thường của nền kinh tế.
Ông Trần Hải Hà cũng cho rằng việc Fed tăng lãi suất mặc dù không tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng có tác động gián tiếp.
Fed tăng lãi suất khiến USD mạnh lên đáng kể và gây sức ép giảm giá lên VND. Tỷ giá VND/USD đã chịu áp lực khá lớn trong 2 tháng qua và VND đã mất giá hơn 2,5% so với USD.
Rủi ro tỷ giá tăng lên sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và tạo ra áp lực giảm giá trên thị trường.
“Tuy nhiên chúng tôi đánh giá các vấn đề trên đã phản ánh đáng kể trong đợt điều chỉnh vừa rồi của thị trường chứng khoán Việt Nam," ông Hà nói.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng nêu quan điểm, không thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay.
Việc Fed tăng lãi suất và căng thẳng thương mại leo thang là hai yếu tố rất quan trọng cần được bám sát và có nhiều giải pháp để chủ động nắm bắt cũng như ứng xử trong mọi trường hợp có thể xảy ra.
“Tác động từ quy luật lãi suất tăng, chứng khoán giảm tới xu hướng rút về của dòng vốn ngoại trên toàn cầu là khó tránh khỏi và Việt Nam ít hay nhiều cũng không nằm ngoài xu thế chung đó,” ông Dũng nhận định.
Đánh giá về diễn biến của nền kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt những tác động từ bên ngoài cũng được dự báo, nhưng khó biết trước mức độ tác động nhiều hay ít. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nếu tiếp tục leo thang thì tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực.
Nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại với thị trường chứng khoán, Tổng Giám đốc MBS Trần Hải Hà cho rằng Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới. Nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang thành một cuộc chiến toàn diện cả thương mại và tiền tệ thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Triển vọng kinh tế toàn cầu suy giảm khiến kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng suy giảm theo, cộng thêm dòng vốn đầu tư sẽ giảm mạnh tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán.
“Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được giải quyết thông qua quá trình đàm phán giữa hai bên,” ông Hà nhận định./.