Kịch bản nào cho Scotland nếu độc lập khỏi Vương quốc Anh?

Một dự báo kinh tế mới, do Ủy ban tăng trưởng bền vững đưa ra và được SNP chấp nhận, dự báo rằng Scotland nếu thắt lưng buộc bụng một chút, sẽ đạt được GDP tương đương Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand.
Kịch bản nào cho Scotland nếu độc lập khỏi Vương quốc Anh? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Telegraph)

Theo tờ Financial Times của Anh, sự ủng hộ đối với cuộc trưng cầu dân ý để Scotland độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh đang tăng lên. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc Scotland tách ra độc lập có thể sẽ là một thảm họa đối với khu vực này.

Ông Philip Hills thành lập Hiệp hội rượu Whisky Scotland vào năm 1983. Một trong những nhiệm vụ của Hiệp hội này là giới thiệu lại, từ các hầm chưng cất rượu, những loại rượu whisky hiếm khi được đưa ra thị trường. Đây được coi là một cuộc cách mạng nhỏ trong thế giới của ông.

Ông Philip Hills cảm thấy sự sáng tạo của mình phù hợp với một làn sóng mới trong các vấn đề của người Scotland. Ông nói: “Ở đây có một cuộc cách mạng từ những năm 1960 trở đi. Trước đây, mọi người, kể cả tôi, chấp nhận Scotland là một quốc gia gắn liền với Liên hợp Vương quốc Anh. Tuy nhiên sau khi phát triển nhận thức về bản sắc người Scotland, ý thức về sự khác biệt sâu sắc đã phát triển."

Mối quan hệ giữa Scotland và Liên hợp Vương quốc Anh

Trước đây, ông Philip Hills đã liên tục bỏ phiếu cho Công đảng. Tuy nhiên, đến năm ngoái, do không ủng hộ viễn cảnh đất nước mình bị buộc phải rời Liên minh châu Âu (EU) dưới sự thống trị của nước Anh, ông đã chuyển sang ủng hộ đảng Dân tộc Scotland (SNP).

Năm 2014, sau một chiến dịch rầm rộ, những người dân tộc chủ nghĩa đã bị đánh bại trong một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Tuy nhiên, SNP đã không nản lòng và sự tranh cãi về Brexit dường như đã thổi bùng lên những quan điểm đã được ông Philip Hills thổ lộ.

Theo nhà thăm dò John Curtice, tỷ lệ người sẽ bỏ phiếu ủng hộ kết thúc liên hiệp 313 tuổi này đã tăng từ mức 47-48% lên 50-52%, chủ yếu là do Brexit. Ông trích dẫn ba cuộc thăm dò gần đây của Survation, YouGov và Panelbase cho thấy có đến 50, 51 và 52% số người dân ủng hộ Scotland độc lập.

Ông nói, hiện tại có một "sự đa số nhỏ ủng hộ độc lập - một sự phát triển rõ ràng trong năm qua."

Có vẻ như những người ủng hộ dân tộc chủ nghĩa đang chiếm ưu thế trong đời sống chính trị Scotland. Trong cuộc bầu cử tháng 12/2019, họ đã giành được 47 ghế tại Westminster, trong khi những người Bảo thủ Scotland chỉ giành 6 ghế, đảng Dân chủ Tự do giành 4 ghế và Công đảng 1 ghế. SNP nắm 61 ghế trong Quốc hội Scotland, so với 59 ghế của tất cả các đảng phái Bảo thủ ủng hộ liên minh, Công đảng và Dân chủ Tự do, và không ai trong số lãnh đạo của các đảng phản đối Scotland độc lập có được công chúng yêu mến như Nicola Sturgeon, thủ hiến Scotland.

Tuy nhiên, SNP có thể phải đối mặt với một năm khó khăn hơn so với cách đây không lâu. Alex Salmond, cựu lãnh đạo của SNP và là người nhiều năm đi tiên phong ủng hộ độc lập, đã bị xét xử tại Tòa án tối cao ở Edinburgh với 14 cáo buộc, mặc dù ông phủ nhận tất cả cáo buộc trên.

Trong khi đó, xét về mặt kinh tế tại Scotland, việc khai thác dầu và khí đốt ở Biển Bắc sẽ tiếp tục suy giảm dài hạn. Hoạt động đầu tư cho những giếng chưa khai thác phụ thuộc vào giá dầu, song giá “vàng đen” đang giảm rất mạnh, do bất ổn liên quan đến dịch COVID-19 và do nguồn cung từ Saudi Arabia gia tăng.

Cuối tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo: “Chúng tôi thấy chắc chắn tăng trưởng nhu cầu dầu thấp nhất trong 10 năm qua và chúng tôi cần phải điều chỉnh lại."

Ngân hàng từng được xem là một sản phẩm đặc biệt của tinh thần kinh doanh và trí tuệ của người Scotland. Năm 1928, Công tước Buccleuch, khi đó là Chủ tịch Ngân hàng Hoàng gia Scotland, đã nói tại bữa tối kỷ niệm 200 năm rằng hệ thống ngân hàng này là “một tác phẩm tuyệt vời và nguyên bản nhất mà con người Scotland thiên tài về tính thực tế đã tạo ra. . . một bằng chứng cho triển vọng ổn định hơn của Scotland, bởi vì nguyên tắc đằng sau là niềm tin và sự tin tưởng giữa người và người."

Tuy nhiên, niềm tin và sự tin tưởng đó đã bị phá vỡ vào cuối những năm 2000, khi Ngân hàng Scotland (lúc đó đã sáp nhập thành Ngân hàng Halifax - Scotland, hay HBOS) bị Lloyds và Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) thôn tính, đã gần sụp đổ, được chính phủ giải cứu và chính phủ hiện vẫn giữ 62,4% cổ phần. Tháng trước, Alison Rose, Giám đốc điều hành mới của RBS, đã tuyên bố rằng ngân hàng sẽ được đổi tên thành Tập đoàn NatWest vào cuối năm nay - tên của ngân hàng mà RBS đã tiếp quản vào năm 2000 khi RBS đang phát triển mở rộng quy mô.

Giáo dục cũng từng là một nguồn tự hào ở một đất nước, nhằm nâng niu sự phát triển của tư tưởng nguồn gốc, khai sáng Scotland cuối thế kỷ 18. Các trường đại học lâu đời tiếp tục có danh tiếng cao, song sự danh tiếng này đang trên bờ vực thoái trào. Báo cáo đánh giá sinh viên quốc tế năm 2018 cho thấy Scotland đang đứng thấp hơn 18 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), bao gồm cả nước Anh, về toán học và thấp hơn 13 quốc gia về khoa học.

[Anh bác yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng Scotland]

Người Scotland thường nghĩ họ dân chủ hơn người Anh, song sự nhận thức về bản thân đó chỉ tồn tại mang tính chất tinh thần trong bầu cử.

Nghiên cứu của Giáo sư John Kevin Curtice cho thấy người Scotland và người Anh gần gũi về thái độ đạo đức chính trị hơn so với suy nghĩ trước đây. Nghiên cứu các câu trả lời trong cuộc Khảo sát thái độ xã hội năm 2011, John Kevin Curtice và Rachel Ormston nhận thấy rằng “mặc dù bề ngoài Scotland có tính dân chủ xã hội hơn so với Anh, nhưng sự khác biệt nếu có là rất khiêm tốn” - và rằng “giống như xứ Anh, Scotland đã trở nên ít - không phải là hơn - dân chủ xã hội hơn kể từ khi bắt đầu phân quyền” năm 1998.

Về nhập cư, thường là một sự kiểm tra về quan điểm tự do và phi tự do, cơ quan nghiên cứu xã hội độc lập NatCen (nơi ông Curtice là nghiên cứu viên cao cấp), trong một cuộc khảo sát tháng 12/2018, đã phát hiện ra rằng 46% người Scotland tin rằng người nhập cư tốt cho nền kinh tế Anh và 17% cho là không tốt. Tỷ lệ này ở Anh và xứ Wales tương đương 47% và 16%.

Chính trị có thể tốt hoặc không tốt đối với SNP trong năm nay, nhưng lịch sử cho nó một đặc ân. Đầu tháng Tư, các hoạt động kỷ niệm sẽ đánh dấu 700 năm Tuyên bố Arbroath 1320, một văn kiện được 39 nhà quý tộc người Scotland ký. Đó là một lời cầu xin Giáo hoàng lúc bấy giờ, John XXII, thôi không ủng hộ yêu sách của Vua Edward I đòi thống trị cả Scotland và công nhận nền độc lập của Scotland.

Văn kiện này chứa dòng ghi rõ ràng: “Dù chỉ còn một trăm người trong chúng ta còn sống, dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, chúng ta sẽ không bao giờ chịu sự cai trị của xứ Anh. Thật ra không phải vì vinh quang, cũng không phải vì sự giàu có, cũng không phải vì danh dự mà chúng ta chiến đấu, mà là vì tự do."

Đối với người Scotland theo chủ nghĩa dân tộc, sự tự do đó, trong 7 thế kỷ, được định nghĩa là không có sự cai trị của người Anh: Bộ phim Braveheart (1995) nổi tiếng của Mel Gibson đã gắn ý nghĩa đó với ngôn ngữ dân tộc chủ nghĩa xưa kia khi tiếng hô xung trận của lực lượng William Wallace làm cho rất nhiều người Anh tham gia thêm vào trận chiến Cầu Stirling (1297).

Hỗn loạn chồng lên hỗn loạn

Cảm xúc yêu nước đứng về phía những người dân tộc chủ nghĩa, nhưng cố vấn chiến lược chính trị Blair McDougall, người đứng đầu chiến dịch Cùng nhau tốt hơn (Better Together) chống lại việc Scotland đòi độc lập của trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, nói rằng “những người ủng hộ sự hợp nhất phải nhất trí rằng Brexit có thể hỗn loạn, nhưng việc rời liên hiệp sẽ là hỗn loạn chồng lên hỗn loạn. Đó không phải là một lối thoát, đó là làm cho mọi thứ tồi tệ hơn."

Cố vấn McDougall cho rằng nền kinh tế của một Scotland độc lập vẫn là chiến trường chính của những người ủng hộ sự hợp nhất. Trong khi đó, Kevin Hague, một doanh nhân 53 tuổi sinh ra ở Anh và lớn lên ở Scotland, trong nhiều năm đã mài giũa một bài thuyết trình mà ông phát biểu tại các cuộc họp và hội nghị về hậu quả của độc lập - một câu chuyện với mục đích chính nhằm nhấn mạnh rằng Scotland may mắn tồn tại trong một liên minh tài chính mạnh mẽ của Vương quốc Anh mà tư cách thành viên của EU không thể so sánh được với điều đó.

Sự phát triển bùng nổ của dầu mỏ ở Biển Bắc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho tiềm lực tài chính của Vương quốc Anh trong suốt thập niên 1980. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu sụt giảm, nền kinh tế Scotland đã phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tiền chuyển đến từ phần còn lại của Vương quốc Anh - hiện đang ở mức 10 đến 12 tỷ bảng mỗi năm. Doanh nhân Kevin Hague ước tính trong khoảng thời gian bốn thập kỷ qua, Scotland đã cho và nhận một số tiền tương đương nhau. Tuy nhiên hiện nay, Scotland đang ở đỉnh cao của sự nhận.

Biểu đồ và số của Kevin Hague cho thấy các khoản thu thuế từ London, khu vực Đông Nam và Đông của Anh, sau khi hỗ trợ các dịch vụ công cộng của họ, được sử dụng để hỗ trợ cho các khu vực có năng suất kém hơn của Anh, Wales và Bắc Ireland. Trong khi đó, thu thuế của Scotland, dù đã giảm nhưng vẫn được hưởng lợi từ nguồn thu dầu mỏ, chi trả cho một phần đáng kể chi tiêu công, nhưng tiền chuyển về từ Bộ tài chính Vương quốc Anh vẫn giúp tăng thêm chi tiêu công tại Scotland thêm từ 1.700 đến 2.000 bảng mỗi đầu người.

Ronald MacDonald, giáo sư tại Trường Kinh doanh Adam Smith thuộc Đại học Glasgow, cho rằng nếu SNP duy trì tỷ giá hối đoái cố định sau khi độc lập, thâm hụt cán cân thanh toán sẽ là khoảng 10% GDP và sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt khoản dự trữ nhỏ nhoi mà một nước mới độc lập có thể có, buộc Scotland phải cắt giảm mạnh lương và chi tiêu công.

Đặt "cái được và cái mất" lên bàn cân

Dù vậy, những dự báo như vậy đã không còn xa lạ với những người theo chủ nghĩa dân tộc - những người vẫn tin tưởng rằng một Scotland độc lập sẽ thịnh vượng. Một dự báo kinh tế mới, đưa ra bởi Ủy ban tăng trưởng bền vững và được SNP chấp nhận, dự báo rằng Scotland nếu thắt lưng buộc bụng một chút, sẽ đạt được GDP tương đương các quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand. Việc Scotland gia nhập EU có thể duy trì hoặc thậm chí làm tốt hơn việc cung cấp dịch vụ xã hội và dịch vụ công như khi quốc gia này còn trong Liên hiệp Vương quốc Anh.

Gần như tất cả các nhà kinh tế đều chỉ ra những tác động bất lợi của việc mất nguồn tiền chuyển đến từ Bộ Tài chính Vương quốc Anh, một đồng tiền không được kiểm soát và khả năng biên giới cứng giữa Scotland với phần còn lại của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Simon Wren-Lewis, Giáo sư chính sách kinh tế tại Đại học Oxford, viết trong tập tiểu luận Kỷ lục hàng ngày tháng 4/2017, đã lập luận rằng đó có thể là “nỗi đau ngắn hạn để lấy cái được lâu dài” vì một Scotland độc lập và ở trong EU sẽ có quyền tiếp cận tốt hơn nhiều vào thị trường châu Âu rộng lớn.

Trong vấn đề này, Richard Murphy, Giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học City, khuyên rằng Scotland nên tạo ra một đồng tiền mới để thu hút các dịch vụ tài chính và một chiến lược công nghiệp phù hợp với sức mạnh của đồng tiền và do đó biết trước một quốc gia có thể, sau những biến động ban đầu, tồn tại như một nhà nước độc lập.

Việc cho phép tổ chức trưng cầu dân ý vẫn nằm trong thẩm quyền của Chính phủ Vương quốc Anh và Thủ tướng Boris Johnson, với đa số áp đảo tại Hạ viện và không phải đối mặt với áp lực từ các đảng đối lập, dường như sẽ tiếp tục từ chối.

Câu trả lời “không” thẳng thừng đối với cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai làm cho những người theo chủ nghĩa dân tộc mất kiên nhẫn.

Alex Neil, cựu Bộ trưởng y tế của SNP, đã kêu gọi tổ chức các chiến dịch bất tuân một cách hòa bình trên quy mô lớn để thúc ép Chính phủ Thủ tướng Johnson chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.

Angus MacNeil, nghị sỹ dân tộc chủ nghĩa khu vực Western Isles, cho thấy rằng 47 nghị sĩ SNP tại Quốc hội Vương quốc Anh ở Westminster có thể cùng từ chức ngay lập tức, kích hoạt các cuộc bầu cử mà ông tin rằng tất cả họ sẽ giành chiến thắng - một nhiệm vụ để tuyên bố độc lập.

Joanna Cherry, phát ngôn viên các vấn đề đối nội của SNP tại Westminster, lập luận rằng Lord Advocate, công chức luật cao cấp của Scotland, nên “chủ động” đưa vấn đề trưng cầu dân ý lần thứ hai lên Tòa án tối cao Vương quốc Anh để ra phán quyết về việc Quốc hội Scotland có thẩm quyền quyết định trưng cầu dân ý hay không.

Thủ hiến Sturgeon trong một bài phát biểu vào cuối tháng 1/2020, đã kêu gọi “kiên nhẫn”, cảnh báo những người theo chủ nghĩa dân tộc rằng họ không nên “cho phép cảm giác thất vọng lấn át và đưa chúng ta vào ngõ cụt, hoặc làm suy yếu ý thức mục đích của chúng ta."

Bà tin rằng tính hợp pháp của việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập cho Scotland mà không cần sự đồng ý của Quốc hội chưa được thiết lập theo luật phân quyền hiện hành và bất kỳ cuộc bỏ phiếu độc lập nào cũng phải vượt ra ngoài sự nghi ngờ về tính pháp lý. Giải pháp thay thế sẽ mất đi sự ủng hộ của công chúng và khiến Scotland không được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc trấn an cả người Scotland và phần còn lại của Vương quốc Anh rằng độc lập sẽ là một vấn đề nhanh chóng, không gây tổn thương, và hai quốc gia trở thành láng giềng thân thiện. Tuy nhiên, nếu việc làm rõ các mối quan hệ đã ràng buộc Vương quốc Anh với châu Âu trong 47 năm đã và sẽ là một bài toán lớn và gây tranh cãi, việc cắt đứt mối liên kết giữa các nước láng giềng này sau ba thế kỷ có luật lệ, chính trị, xã hội, kinh doanh, xã hội dân sự, giáo dục, gia đình và văn hóa chung sẽ cực kỳ phức tạp và mang nhiều ảnh hưởng hơn.

SNP đã được hỗ trợ rất nhiều nhờ Brexit và Chính phủ Anh. Trong đời sống chính trị của cả xứ Scotland và xứ Anh hiện nay, các nguyên tắc đã trở nên rõ ràng hơn so với 6 năm trước đây, do đó tính chất quan trọng của một quyết định ly khai nổi bật hơn. Trong các đời sống chính trị này, và đặc biệt là nếu một cuộc trưng cầu ý dân khác được chấp thuận, một cuộc xung đột thậm chí là gay gắt hơn sẽ xảy ra. Họ sẽ phải quyết định như thế nào là tốt nhất cho một người Scotland trong thế kỷ 21?./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục