Kịch bản cơ sở: VN-Index dao động trong khoảng 900 – 1.180 điểm

Kịch bản cơ sở: VN-Index dao động trong khoảng 900 – 1.180 điểm

Nền lãi suất duy trì ở mức cao sẽ gây khó khăn cho dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Do đó, áp lực điều chỉnh và rung lắc của VN-Index khả năng sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023.
hông thường, trước tuần nghỉ lễ dài, nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ trọng ký quỹ để tiết giảm chi phí lãi vay. (Ảnh: TTXVN)

Khởi đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến điểm số bật tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện so với tuần giáp Tết dương lịch.

Theo đó, các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm khá ấn tượng ngay trong tuần đầu của năm. Cụ thể, VN-Index đã tăng 4,4% và lên mức 1.051,4 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index và UpCoM-Index cũng đồng loạt đi lên lần lượt 2,6% và 1,5% và đóng cửa tại mức 210,6 và 72,7 điểm.

Thông tin tích cực

Lý giải để có nhịp tăng này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VN-Index cho hay xu hướng thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực, như: Trung Quốc thông báo chính thức mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 8/1; Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 chính thức được khởi công từ ngày 1/1, điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công trong năm; Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi cập nhật mới nhất đã được bộ Tài chính trình lên bộ Tư pháp.

Trên thị trường, ông Hinh chỉ ra thanh khoản phần nào đã được cải thiện với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng 9,3% và đạt 11.724 tỷ đồng.

[Tín hiệu tích cực mang hy vọng cho thị trường bước vào năm 2023]

Trên nền tảng vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định và định giá về mức hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài duy trì tuần mua ròng kể từ đầu tháng 11/2022. Tuần đầu năm mới, khối ngoại đã mua ròng 1.637 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tương tự trên 2 sàn HNX và UpCoM, họ cũng ròng lần lượt 87 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, đánh giá thị trường trong giai đoạn cuối năm và đầu năm mới đã phát ra nhiều tín hiệu tích cực từ chuỗi mua ròng của khối ngoại và sự vận động tích cực của một số mã cổ phiếu chủ chốt (trong đó có nhóm ngành ngân hàng).

“Với trạng thái hiện tại, thị trường có thể kỳ vọng VN-Index sẽ sớm thoát khỏi kênh đi xuống,” ông Thắng nói.

Về kỹ thuật, ông Thắng phân tích trước đó, thị trường đã có 4 tuần liên tiếp điều chỉnh giảm và đây là đợt hồi phục đầu tiên. Điều đáng nói, quá trình VN-Index điều chỉnh giảm đều trong biên độ hẹp mang tính tích lũy và luôn giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm. Do đó, nếu VN-Index thoát khỏi kênh đi xuống trong thời gian tới, có thể kỳ vọng sẽ bước vào một đợt tăng điểm mới với mục tiêu hướng tới khu vực 1.150 điểm.

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, ông Hinh dự báo khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự cải thiện đột biến. Thông thường, trước tuần nghỉ lễ dài, nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ trọng ký quỹ để tiết giảm chi phí lãi vay.

“Vì vậy, thị trường khó có thể kỳ vọng về đà tăng đột biến trong những tuần sát Tết. VN-Index dự kiến sẽ tiến vào những vùng cản mạnh quanh 1.070 điểm,” ông Hinh cho hay.

Khó khăn từ dòng vốn

Dự báo xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023, báo cáo phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu tác động mạnh trước bối cảnh bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu và những thay đổi nhạy cảm về chính sách điều hành vĩ mô trong nước (xử lý, bắt giữ các trường hợp sai phạm...) và trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong năm qua.

Tuy nhiên, ông Nghiêm Phú Cường, chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Khối nghiên cứu Thị trường trong nước của MBS, cho rằng sau hơn 2 năm tăng mạnh, VN-Index điều chỉnh về sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Theo đó, mặt bằng giá cổ phiếu cũng đã giảm sâu, một số nhóm ngành thậm chí có mức giảm mạnh hơn so với VN-Index, như nhóm ngành bất động sản thương mại (-72%), chứng khoán (-59%), bất động sản khu công nghiệp (-50%), thép (-48%)...

Về xu hướng thanh khoản của thị trường năm 2023, nhóm nghiên cứu của MBS cho rằng vẫn còn gặp khó khăn, do khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất và neo giữ ở mức cao với đỉnh lãi suất 2023 dự kiến ở mức 5,1%. Thêm vào đó, FED và nhiều ngân hàng trung ưỡng sẽ tiếp tục giảm dần bảng cân đối tài sản trong năm 2023. Trong nước, nền lãi suất cao, cung tiền thận trọng cộng thêm yêu cầu đáo hạn trái phiếu sẽ tạo lực cầu lớn về thanh khoản.

Trên thị trường chứng khoán, mức thanh khoản bình quân toàn thị trường trong năm 2022 đạt 20.700 tỷ đồng và giảm 21% so với năm 2021. Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của MBS dự báo năm 2023, thanh khoản sẽ tiếp tục giảm sụt về mức trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giảm 30% so với bình quân 2022.

Theo MBS, nền lãi suất duy trì ở mức cao sẽ gây khó khăn cho dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Vậy nên, áp lực điều chỉnh và rung lắc của VN-Index sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023.

Nhóm phân tích của MBS đưa kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 280 điểm từ 900 – 1.180 điểm.

Tuy nhiên, xu hướng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối của năm, khi sự kỳ vọng áp lực lãi suất sẽ giảm bớt và nền kinh tế phục hồi trở lại.

(Nguồn: MBS)

Bên cạnh đó, báo cáo của MBS cũng đề xuất thêm kịch bản thận trọng trong trường hợp có suy thoái lớn bất ngờ xảy ra. Theo đó, VN-Index có thể về mức thấp nhất 780 điểm và dao động từ 780-1.080 điểm

Trên thị trường, dòng tiền tham gia bắt đáy mạnh mẽ trong thời điểm giữa tháng 11 và đầu tháng 12/2022. Theo ông Cường, một phần rất lớn do định giá chứng khoán đã chiết khấu về mức thấp (khi bị áp lực bán tháo, hạ đòn bẩy trong thời gian rất ngắn). Trên cơ sở đó, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đã kích hoạt mua ròng, phần nào hỗ trợ VN-Index hồi phục kể từ vùng đáy 873 điểm.

“Trong năm 2023, khả năng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục sụt giảm do áp lực chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao, định giá duy trì ở nền thấp sẽ là một cơ hội để chọn lọc mua vào tại vùng đáy chu kỳ,” ông Cường chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Hinh cho rằng các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chờ đợi sự bứt phá của các chỉ số chứng khoán khi dòng tiền cải thiện sau kỳ nghỉ lễ.

Ông Hinh chỉ ra một nhóm ngành kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ những xu hướng vĩ mô lớn trong năm 2023, như hàng không, du lịch, xuất khẩu thủy sản, cao su, xi măng, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, điện, khí đốt.

Nhìn chung các đánh giá cho rằng thị trường trong năm tới sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức, như lãi suất tăng cao, nguồn tiền rẻ cạn dần, kinh tế toàn cầu vẫn chưa có tín hiệu tích cực.... Song, mặt bằng giá cổ phiếu đã chiết khấu về mức hấp dẫn sẽ mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư nắm giữ trung dài hạn.

“Thị trường chứng khoán khởi đầu năm mới bằng một tuần giao dịch tích cực, mở ra hy vọng trong năm sẽ vận động tích cực hơn và mang đến cơ hội giải ngân đầu tư trung, dài hạn. Ở giai đoạn hiện tại, các cơ hội giải ngân sẽ xuất hiện nhiều hơn khi mặt bằng giá đang ở vùng hấp dẫn,” ông Thắng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục