Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài

Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, chúng ta cần có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn từ 1996-2017 nhằm đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ tham mưu và giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tích của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương trong công tác phi chính phủ nước ngoài thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được coi là bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ trên các mặt đối ngoại an ninh và chính trị.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng với những kết quả quan trọng trong công tác phi chính phủ nước ngoài hơn 20 năm qua như giá trị viện trợ từ năm 1996-2017 đạt hơn 4,35 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam còn nhiều khó khăn, có nhu cầu hợp tác thực sự như y tế, giáo dục, xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu... ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài kinh phí dành cho các dự án, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn đem đến cho các bộ, ngành, địa phương những kinh nghiệm, cách tiếp cận, kỹ năng rất quan trọng và thiết thực. Công tác phi chính phủ nước ngoài đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững; giúp cho một bộ phận người dân thoát nghèo, đảm bảo đời sống.

[Trên 4,1 tỷ USD viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam]

Về mặt chính trị đối ngoại, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành tựu của Việt Nam ra thế giới; thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân Việt Nam với các nước trên thế giới; góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Ủy ban đã thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, giúp các cơ quan Trung ương và cấp ủy chính quyền địa phương có nhận thức đúng đắn về các tổ chức này; thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; kịp thời đề xuất, triển khai các biện pháp quản lý, cơ bản không để ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an ninh trật tự. Nhiều địa phương đã có các giải pháp chủ động thu hút các dự án phi chính phủ nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, chúng ta cần có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước.” 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban và các địa phương cần xác định công tác phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, không phải nhiệm vụ riêng của Ủy ban mà của tất cả các cấp chính quyền.

“Công tác phi chính phủ nước ngoài là bộ phận của đối ngoại nhân dân, góp phần vào nhiệm vụ đối ngoại của đất nước. Vì vậy trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài các bộ, ngành địa phương phải luôn chú trọng, xem xét, xử lý hài hòa trên cả ba khía cạnh: Kinh tế-An ninh-Đối ngoại. Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần có cơ chế liên ngành đủ mạnh để phối hợp quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong Ủy ban, của các cơ quan giúp việc, từ đó tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và kịp thời trong công việc thường xuyên và các vấn đề đột xuất, nhạy cảm. Cùng với đó, tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy chế làm việc của Ủy ban và các bộ phận giúp việc, đảm bảo phù hợp vơi nhiều đầu mối.

Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban cần chủ động nghiên cứu đánh giá, dự báo tình hình hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng để tham mưu tích cực, hiệu quả hơn nữa cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, chú ý tới các hoạt động lợi dụng để chống đối, gây mất ổn định.

Ủy ban, các bộ ngành địa phương cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra giám sát theo quy định các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, một mặt cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đăng ký tiếp nhận thông tin, báo cáo xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam theo hướng khoa học hơn, chặt chẽ hơn. Ủy ban và các cơ quan liên quan đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy có liên quan, làm rõ quy định trách nhiệm của các bên liên quan của Việt Nam trong công tác phi chính phủ nước ngoài.

Thủ tướng đề nghị bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Ủy ban và các cơ quan liên quan, cần tiếp tục công tác vận động, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội; chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn tới.

Thực tiễn trong hơn 20 năm hoạt động cho thấy, việc thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một quyết định đúng đắn. Ủy ban đã bám sát các chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước; nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả tích cực. Điển hình là các nhiệm vụ đề xuất chủ trương, chính sách, thực hiện công tác liên quan đến giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan đối tác của Việt Nam; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục