Khuyến khích doanh nghiệp Việt mở rộng sang thị trường Thái Lan

Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang thị trường Thái Lan

Các dự án đầu tư của Thái Lan có mặt tại 41/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng vốn là 25,79 triệu USD, đứng thứ 22/55 quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Thái.
Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang thị trường Thái Lan ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sáng 14/12, hội thảo “Xúc tiến Thương mại, Đầu tư Việt Nam-Thái Lan: Thực trạng và Triển vọng” đã được Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương Việt Nam và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp cùng Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), Phòng Thương mại Thái Lan (TCC), Ngân hàng Kasikorn tổ chức.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Thái Lan, với sự tham gia của đông đảo các đại biểu của doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai nước.

Hai địa phương Việt Nam tham gia hội thảo để giới thiệu và thu hút đầu tư là tỉnh Hưng Yên và thành phố Cần Thơ. Hội thảo cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh-đầu tư; là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tới người tiêu dùng Thái Lan các sản phẩm Việt Nam với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về quan hệ hợp tác chiến lược về thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan; định hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan; các chính sách và cam kết của địa phương nhằm xúc tiến đầu tư; các dự án kêu gọi đầu tư, cơ hội đầu tư tại Việt Nam từ góc nhìn của các định chế tài chính; chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của chính phủ Thái Lan liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu; các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan từ nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Các đại biểu đánh giá Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư như nhiều nét tương đồng về văn hóa, gần gũi với nhau về địa lý, sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, sự năng động của giới doanh nghiệp hai nước. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy số lượng dự án cũng như số vốn đầu tư của Thái Lan sang Việt Nam cao hơn nhiều so với chiều ngược lại.

Trong quan hệ thương mại hai chiều, Việt Nam hiện cũng là nước nhập siêu. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ cấu mặt hàng của hai nước tương đối giống nhau, trong khi đó một số mặt hàng của Thái Lan có tính cạnh tranh cao hơn, thậm chí ngay tại thị trường nội địa Việt Nam; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Thái Lan của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Thái Lan tăng cao; Thái Lan thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại rất mạnh và hiệu quả, có chiến lược kinh doanh rõ ràng.

Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới hai bên cần phối hợp tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại; tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các ngành thế mạnh của mình và Việt Nam có tiềm năng, như công nghiệp dệt may, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, máy móc, thiết bị...

Đồng thời tăng cường khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang thị trường Thái Lan với các hình thức hội thảo, trao đổi thông tin doanh nghiệp hoặc tổ chức các đoàn khảo sát thị trường lẫn nhau; tăng cường công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, có những thế mạnh về những mặt hàng tiềm năng để thu hút hơn nữa sự chú ý của các doanh nghiệp Thái Lan.

Trong thời gian qua, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Thái Lan đã có những bước phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng. Hai bên đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau, Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN của Thái Lan và Thái Lan đang ở vị trí thứ 3 trong số các nước ASEAN có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, từ 5,78 tỷ USD (năm 2009) tăng lên 11,5 tỷ USD trong năm 2015 (tăng 8,6% so với năm 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 8,3 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2016, thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 9,98 tỷ USD. Hai bên hiện đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020.

Về hợp tác đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2016, Thái Lan đứng thứ 10 trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 3 trong các nước ASEAN (sau Singapore và Malaysia) với 466 dự án đầu tư còn hiệu lực, có tổng số vốn đầu tư đăng ký là 9,44 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, dịch vụ, khách sạn, ăn uống là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Thái Lan đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam.

Các dự án đầu tư của Thái Lan đã có mặt tại 41/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Có thể kể đến một số dự án đầu tư lớn của Thái Lan vào Việt Nam, như Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn với tổng số vốn đăng ký đạt 3,77 tỷ USD, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi CP Việt Nam: 328 triệu USD và Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Kraft Vina: 193 triệu USD.

Hiện Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 25,79 triệu USD, đứng thứ 22 trên tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan; trong đó phải kể tới Dự án Hoàng Anh Gia Lai Co.Ltd với tổng số vốn đầu tư đạt 10 triệu USD, Dự án NAGATA Automotive Pacific Co.Ltd có tổng số vốn đầu tư 780.000 USD, Dự án Buffalo Tours Ltd có số vốn đầu tư đạt 300.000 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục