Ngày 14/4, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội nghị phổ biến “Quy hoạch tổng thể phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch.
Ban tổ chức cho biết: “Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 19/8/2014.
Quy hoạch góp phần tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển nghệ thuật biểu diễn; rà soát nâng cấp, cải tạo một số nhà hát đang xuống cấp tại các địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp và trang bị mới hệ thống phương tiện kỹ thuật phù hợp; xây dựng trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy hoạch này cũng đề cập đến việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp hóa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nghệ thuật biểu diễn theo quy định của pháp luật; từng bước nâng cao năng lực tổ chức biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, việc đào tạo, phát triển nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn có năng lực sáng tạo cần bảo đảm cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội.
Quy hoạch cũng khuyến khích người nghệ sỹ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhân văn và giáo dục cao; tăng cường quảng bá, phổ biến các chương trình, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trong nước và quốc tế.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch này. Trong đó, Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nội dung theo từng phân kỳ trong Quy hoạch; việc triển khai kế hoạch phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung mọi nguồn lực, con người, tài chính, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, ban ngành ở Trung ương, đơn vị liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt.
Các nội dung triển khai cụ thể Quy hoạch này gồm: tổ chức phổ biến, tuyên truyền Quy hoạch; xây dựng văn bản quản lý nhà nước và cơ chế chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; quy hoạch các đơn vị nghệ thuật; hợp tác quốc tế.
Theo kế hoạch, một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2015-2020, đó là Luật Nghệ thuật biểu diễn; xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; xây dựng Thông tư hướng dẫn việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; xây dựng cơ chế, chính sách sưu tầm, phục hồi và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền; xây dựng Đề án về cơ chế đãi ngộ đối với các nghệ sỹ có nhiều thành tích và giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế...
Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Văn hóa-Thể thao và du lịch tập trung xây dựng Đề án “Bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn các loại hình nghệ thuật giai đoạn 2015-2020”; xây dựng đề án “Đào tạo đội ngũ nghệ sỹ trẻ kế cận cho các loại hình nghệ thuật truyền thống”; xây dựng đề án “Đào tạo diễn viên nghệ thuật Tuồng, Chèo cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước”; xây dựng đề án “Đào tạo diễn viên nghệ thuật Cải lương, Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước”./. Việt Hà
Nghệ thuật biểu diễn, Cải tạo nhà hát, Giá trị nghệ thuật, Nghệ sỹ, Biểu diễn thời trang, Thi người đẹp , Người mẫu, Thẻ hành nghề, Dân ca kịch