Khuyến cáo người dân Đồng Nai không chặt tiêu để lấy rễ bán

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, việc thu mua rễ cây tiêu được thực hiện với mục đích không rõ ràng, có dấu hiệu bất thường; nguy cơ gây ra tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ đem bán.
Khuyến cáo người dân Đồng Nai không chặt tiêu để lấy rễ bán ảnh 1Chăm sóc cây hồ tiêu. (Ảnh minh họa. K GỬIH/TTXVN)

Cuối tháng 2/2018, với mục đích không rõ ràng, thương lái bắt đầu thu mua rễ hồ tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Ban đầu, thương lái mua rễ tiêu khô với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg, rễ tươi giá 10.000 đồng/kg. Sau đó, họ tăng giá thu mua rễ khô lên 80.000 đồng/kg, rễ tươi cũng tăng gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Việc mua bán rễ tiêu là điều pháp luật không cấm, tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ông Đặng Quang Hải (tổ 12, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ) cho biết, ông làm nghề trồng tiêu đã hàng chục năm, chưa bao giờ tưởng tượng rễ hồ tiêu lại có giá trị sử dụng gì khác ngoài dùng làm củi. Thế mà nay có người mua, xuất đi Trung Quốc để làm thuốc. Ông chặt bỏ 1ha hồ tiêu, đào rễ bán được hơn 4 triệu đồng, tiền này đủ giúp ông thuê người cải tạo lại đất. Rễ tiêu, trước đây với nông dân là thứ vô dụng, chỉ vứt đi, nay bán được thì mừng.

Ông Hải cho biết thêm: "Gia đình tôi có 1ha hồ tiêu đã trồng được 18 năm. Do tiêu già cỗi, năng suất giảm sút, năm 2017, vườn tiêu của gia đình chỉ đạt 800 kg/ha (bình thường đạt khoảng 4 tấn/ha). Trước thực trạng này, tôi quyết định chặt bỏ vườn tiêu già để trồng mới. Mục đích chặt tiêu không phải để bán rễ, mà là cải tạo vườn. Bán rễ tiêu chỉ có lợi, không có hại, bởi phế phẩm này nếu không bán thì cũng đốt bỏ."

Tháng Tư vừa qua, gia đình ông Nguyễn Xuân Tuyển (tổ 11, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ) cũng cải tạo, trồng mới 7.000m2 hồ tiêu. Ông Tuyển bán rễ tiêu thụ được khoảng 3 triệu đồng. Theo ông Tuyển, rễ cây tiêu nằm sâu, khi cải tạo vườn, ông thuê máy xới đất, rễ tiêu theo đó mà trồi lên, ông nhặt và tập kết tại vườn, thương lái đến mua. Ban đầu, thương lái mua thấp, dần dần họ nâng giá, thời điểm cuối tháng Tư, ông Tuyển bán rễ tiêu khô với giá 80.000 đồng/kg, rễ tươi 20.000 đồng/kg.

Ông Tuyển chia sẻ: “Rễ tiêu to, nhỏ gì thương lái cũng mua với giá như nhau, nhưng họ lựa rất kỹ, loại bỏ rễ những cây khác. Nghe nói hiện nay thương lái đã nâng giá mua rễ tiêu, cao hơn từ 10.000-20.000 đồng so với trước, nhưng gia đình tôi không còn bán."

[Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên]

Theo ông Lê Đình Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Thọ, sau khi có thông tin thương lái thu mua rễ hồ tiêu, chính quyền xã Xuân Thọ đã vào cuộc kiểm tra. Kết quả, toàn xã có 14 hộ cải tạo hơn 10ha tiêu già cỗi, thu gom rễ hồ tiêu bán cho bốn thương lái (cùng xã Xuân Thọ); về số lượng cụ thể rễ tiêu mà thương lái đã thu mua, xã không nắm được.

Làm việc với ngành chức năng, Công ty Nga Ân (một doanh nghiệp thu mua rễ tiêu ở tổ 19, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ) khẳng định họ mua rễ tiêu của nông dân để bán cho một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp này xuất rễ tiêu sang Trung Quốc để làm thuốc Bắc.

Ông Hưng cho rằng, Xuân Thọ là vùng trồng tiêu lớn nhất ở Đồng Nai, toàn xã có hơn 700ha tiêu, tập trung ở ấp Thọ Lộc. Đây là lần đầu tiên xã ghi nhận tình trạng mua bán rễ hồ tiêu, điều này xảy ra khi nông dân cải tạo vườn tiêu già cỗi. Tại xã Xuân Thọ, không có tình trạng người dân chặt bỏ cây tiêu đang cho năng suất cao để lấy rễ bán.

Ông Hưng đánh giá: “Sau khi xảy ra sự việc, ngành chức năng xã Xuân Thọ đã họp bàn. Chính quyền xã nhận định, việc thương lái thu mua rễ tiêu và xuất đi Trung Quốc để làm thuốc Bắc là hai điều bất thường. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không chặt tiêu để lấy rễ bán, đề nghị thương lái ngừng thu mua, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên."

Theo ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã cử cán bộ kiểm tra, theo dõi tình trạng bán rễ hồ tiêu trên địa bàn. Đến nay, tình trạng này chỉ diễn ra ở xã Xuân Thọ, chưa xuất hiện ở những địa phương khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho rằng, việc thu mua rễ cây tiêu được thực hiện với mục đích không rõ ràng, có dấu hiệu bất thường; nguy cơ gây ra tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu đem bán. Trước đây, khi cải tạo vườn tiêu, người dân đốt gốc và rễ, điều này góp phần loại bỏ dịch bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất. Nay đem bán, rễ tiêu sẽ di chuyển từ nơi này đến nơi khác, nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai khuyến cáo, với gốc, rễ tiêu đã chết, người dân cần thu gom và đốt nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có giao dịch hoặc liên kết với người nước ngoài thu mua rễ, gốc hồ tiêu thì cần báo cho chính quyền địa phương.

Các huyện, thị trong tỉnh cần thông báo, tuyên truyền giúp người dân hiểu rằng, thương lái có thể sẽ mua cả gốc, thân cây hồ tiêu khô để đem băm, làm thành bột trộn với tiêu xay gia vị. Đây là điều nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người sử dụng, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục