Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa đưa ra khuyến cáo với người lao động Việt Nam đang làm việc tại Saudi Arabia hạn chế đến những nơi đông người, những địa điểm công cộng có thể là mục tiêu của khủng bố sau khi các vụ đánh bom liều chết xảy ra liên tiếp.
Trước đó, hôm 4/7 đã xảy ra liên tiếp các vụ đánh bom tự sát tại các nhà thờ hồi giáo ở thành phố Medina, Qatif và gần Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Các vụ đánh bom trên đã gây thương vong cho 14 nhân viên an ninh của địa phương và một số dân thường.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng Saudi Arabia, các vụ tấn công trên nhằm vào chỗ đông người, với mục đích gây thương vong, tạo tâm lý hoang mang bất ổn, làm mất uy tín của Chính phủ Saudi Arabia.
Trước tình trạng này, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Đại sứ quán các nước tại Saudi Arabia chưa đưa ra cảnh báo đặc biệt nào đối với công dân nước mình. Theo nhận định, khả năng thương vong đối với lao động Việt Nam trường hợp đánh bom xảy ra không cao do lao động ta đa số không theo đạo Hồi, thường không đến các nhà thờ Hồi giáo cũng như các cơ sở của phương Tây.
“Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động đi làm việc tại Saudi Arabia hạn chế đến những nơi đông người, những địa điểm công cộng có thể là mục tiêu của khủng bố, không tham gia các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Saudi Arabia dưới bất cứ hình thức nào, kể cả hoạt động nhân đạo, truyền bá văn hóa, tôn giáo....” ông Đặng Sỹ Dũng nói.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Saudi Arabia đưa các khuyến cáo trên vào nội dung đào tạo cho người lao động trước khi đi. Doanh nghiệp, cán bộ đại diện của doanh nghiệp tại Saudi Arabia phải quản lý và theo dõi chặt chẽ tình hình làm việc của người lao động, có phương án xử lý trong trường hợp khẩn cấp.
Hiện nay, Chính phủ Saudi Arabia đã tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó, đồng thời, tăng cường các biện pháp an ninh phòng ngừa như: Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh tại các cửa khẩu đối với người nước ngoài thông qua việc lấy vân tay và chụp ảnh võng mạc; cảnh sát tăng cường các chốt nội đô và cửa ngõ vào các thành phố để giám sát việc đi lại, ngăn ngừa việc mang vũ khí, bom, thuốc nổ..; kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện và phạt nặng chủ sử dụng lao động bất hợp pháp, bắt giữ và trục xuất lao động bất hợp pháp…/.