Khuyến cáo DN chuyển sang chính ngạch khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo Bộ Công Thương, để xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ bộ, ngành, doanh nghiệp phải có sự thích ứng và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Liên quan tình hình xuất nhập khẩu, nhất là mặt hàng trái cây trong bối cảnh Trung Quốc nới lỏng tại cửa khẩu, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với hàng rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với tình trạng không ổn định theo tình trạng đóng và mở tại các cửa khẩu với Trung Quốc.

Chính vì vậy, việc tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch, chuyển hình thức vận chuyển bằng đường biển, tàu hỏa là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 4/2022 đạt 327 triệu USD, giảm 19,1% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,17 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng rau quả giảm liên tiếp trong 4 tháng đầu năm 2022; trong đó, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 625,8 triệu USD, giảm 27,7%, chiếm 53,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Ngoài ra, Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid," từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh như tạm ngừng ngay hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hoá khi phát hiện có ca nghi nhiễm COVID-19 khiến cho hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn.

[Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc]

Theo ông Trần Quốc Toản, mặc dù phía Trung Quốc đã cho thông quan trở lại tại một số cửa khẩu, tuy nhiên hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu rất chậm, chưa thực sự cải thiện nhiều. Cùng với đó, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình thông quan nhằm phòng chống dịch bệnh.

Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc giống như một cái chợ, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, nhưng đó hoàn toàn không phải là thương mại quốc tế.

Bởi trong quan hệ thương mại quốc tế, muốn bền vững hai doanh nghiệp buộc phải được liên kết bằng việc ký hợp đồng, có giao kèo kèm điều kiện thanh toán, thời điểm giao hàng, điều kiện quản lý chất lượng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên đăng tải các thông tin về sự thay đổi của thị trường lên Cổng thông tin của Bộ cũng như xuất bản nhiều cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về các thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Thế nhưng, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ, ngành, doanh nghiệp phải có sự thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Đặc biệt, địa phương khu vực biên giới cần chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục