Khủng hoảng chuyển sang đấu tranh pháp lý

Khủng hoảng Thái Lan chuyển sang đấu tranh pháp lý

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan dường như sẽ còn kéo dài sau một cuộc tổng tuyển cử dang dở, với tỷ lệ cử tri thấp.
Khủng hoảng Thái Lan chuyển sang đấu tranh pháp lý ảnh 1Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok ngày 4/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan dường như sẽ còn kéo dài sau một cuộc tổng tuyển cử dang dở, với tỷ lệ cử tri thấp. Xã hội Thái Lan vẫn tiếp tục chia rẽ nghiêm trọng, khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Chính phủ không thể hoạt động một cách đầy đủ. Phong trào biểu tình bắt đầu quay sang tìm kiếm các cơ quan độc lập sau khi không có được sự ủng hộ của quân đội.

Sau ba tháng tranh đấu liên tục, Phong trào biểu tình chống chính phủ vẫn chưa đạt được mục tiêu chính là loại bỏ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Các thủ lĩnh biểu tình đã bắt đầu nhận ra rằng "cuộc chơi này" quá lớn đối với một mình họ. Họ cần phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ quân đội hoặc các cơ quan độc lập.

Cách giải quyết vấn đề của chính phủ Thái Lan cho tới nay luôn tuân thủ đúng pháp luật. Quyết định giải tán quốc hội hồi tháng 12/2013 của bà Yingluck đã triệt tiêu đòi hỏi thủ tướng từ chức của phe biểu tình bởi Hiến pháp hiện nay quy định chính phủ phải tiếp tục thực thi nhiệm vụ tạm thời cho tới khi thành lập được chính phủ mới.

Cuộc tổng tuyển cử đã được chính phủ Thái Lan thúc đẩy để diễn ra đúng lịch trình bất chấp mong muốn trì hoãn nó của chính cơ quan tổ chức là Ủy ban bầu cử quốc gia. Ủy ban này đã đề nghị Tòa án hiến pháp vào cuộc, nhưng trong khuôn khổ của mình, tòa án chỉ có thể phán quyết rằng ngày bầu cử có thể thay đổi chứ không quy định chính phủ phải hoãn bầu cử.

Chính phủ Thái Lan coi bầu cử là một sự bảo đảm cho họ về mặt pháp lý, trong khi Phong trào biểu tình phản đối lại cố ngăn cản để thực hiện mục tiêu loại bỏ chính phủ hiện nay và dựng lên một chính quyền mới. Kết quả là cuộc bầu cử chỉ đạt tỷ lệ cử tri đi bầu vào khoảng 46,79%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 75% trong cuộc tổng tuyển cử 2011.

Tại Bangkok và một số tỉnh miền Nam, cử tri đã bị ngăn cản đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, ở miền Bắc và Đông Bắc, những cơ sở ủng hộ đảng Vì Thái Lan, cũng chỉ đạt 51 và 55%, thua xa tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu của cuộc bầu cử trước. Điều này phản ánh sự dao động, mất lòng tin của cử tri Thái Lan bởi họ không rõ liệu quyết định bỏ phiếu của họ có hiệu lực hay không?

Điều rõ ràng là Hạ viện Thái Lan sẽ chưa thể tổ chức phiên họp đầu tiên bởi chưa đạt đủ 95% (475 người) số nghị sỹ theo quy định. Chính phủ của bà Yingluck sẽ vẫn phải tiếp tục nắm quyền tạm thời cho tới khi mọi chuyện được ngã ngũ.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với chính phủ hiện nay là họ không có đủ quyền lực để tự quyết vấn đề tài chính chi trả cho nông dân tham gia chương trình trợ giá gạo, khiến người nông dân đã tổ chức biểu tình, chặn đường và phản đối ở nhiều địa phương.

Phong trào biểu tình đã nhân cơ hội này để vừa kích động người nông dân, vừa tìm kiếm sự ủng hộ từ các cơ quan độc lập sau khi quân đội không có phản ứng rõ ràng nào.

Người biểu tình cũng tuyên bố sẽ chuẩn bị một cuộc chiến lâu dài thông qua tiến trình pháp lý để loại bỏ tính hợp pháp của chính quyền hiện nay... Giờ đây sẽ có thêm những tay chơi mới là Ủy ban chống tham nhũng quốc gia và Tòa án hiến pháp.

Ủy ban chống tham nhũng hiện đang tiến hành điều tra các cáo buộc liên quan tới chương trình trợ giá gạo. Thủ tướng Yingluck bị điều tra với tư cách là người tổng chỉ huy chương trình này. Nếu bị kết tội, bà và một số người liên quan sẽ bị đình chỉ thực thi nhiệm vụ.

Hành động của Ủy ban chống tham nhũng đã khiến Trung Quốc, một trong những bên mua gạo của Thái Lan trong chương trình trợ giá gạo, tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua 1,2 triệu tấn gạo ký từ năm ngoái.

Đảng Dân chủ và thủ lĩnh Phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban hiện đang chuẩn bị kiện Thủ tướng Yingluck cũng như đảng Vì Thái Lan vì những liên quan tới việc áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp và việc tổ chức bầu cử.

Đảng Vì Thái Lan cũng đã có sự chuẩn bị đối phó như trường hợp bà Yingluck bị đình chỉ thì một người cấp phó sẽ lên điều hành; trường hợp đảng bị giải tán thì bà Yingluck cũng như một số thành viên chủ chốt của Nội các cũng không bị ảnh hưởng bởi họ không phải là những ủy viên Ban chấp hành của đảng Vì Thái Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục