Khủng hoảng tại Maldives: Chính phủ không gia hạn tình trạng khẩn cấp

Bộ trưởng Shukoor nêu rõ: "Hiện cuộc sống tại Maldives trong trạng thái bình thường. Không có trường học hay cửa hàng nào bị đóng cửa. Các văn phòng và doanh nghiệp đã mở cửa và đang hoạt động."
Khủng hoảng tại Maldives: Chính phủ không gia hạn tình trạng khẩn cấp ảnh 1Lực lượng an ninh gác tại Male, Maldives. (nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Maldives ngày 14/3 thông báo nước này sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau khi lệnh này hết hiệu lực vào ngày 22/3 tới.

Phát biểu với báo giới tại Văn phòng tổng thống, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề pháp luật thuộc Văn phòng tổng thống Maldives, bà Azima Shukoor cho biết chính phủ không có ý định gia hạn tình trạng khẩn cấp vì tình hình của quốc đảo đã trở lại bình thường.

Bộ trưởng Shukoor nêu rõ: "Hiện cuộc sống tại Maldives trong trạng thái bình thường. Không có trường học hay cửa hàng nào bị đóng cửa. Các văn phòng và doanh nghiệp đã mở cửa và đang hoạt động."

Bà Shukoor cũng nhắc lại lập trường của chính phủ Maldives cho rằng tình trạng khẩn cấp không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho người dân và du khách.

[Khủng hoảng chính trị ở Maldives: Cảnh sát ban bố lệnh giới nghiêm] 

 

Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết thả các thủ lĩnh chính trị đối lập bị bắt giữ trước đó, cho rằng cần thả các cựu quan chức này cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng.

Ngoài ra, Tòa án Tối cao Maldives cũng ra phán quyết yêu cầu chính phủ phục chức cho 12 nghị sỹ bị bãi nhiệm do rời khỏi đảng của Tổng thống Abdulla Yameen. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ phán quyết trên.

Ngày 5/2 vừa qua, Tổng thống Yameen đã gửi thư tới Tòa án Tối cao trình bày những thách thức trong việc thực thi phán quyết của tòa, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, ra lệnh các lực lượng an ninh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và thẩm phán của tòa Ali Hameed.

Tổng thống Yameen cáo buộc các thẩm phán tham gia một âm mưu lật đổ chính quyền. Sau đó, ngày 20/2, Quốc hội Maldives đã phê chuẩn gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày theo đề nghị của Tổng thống Abdulla Yameen do nguy cơ hiện hữu đối với an ninh quốc gia và khủng hoảng hiến pháp.

Bất ổn chính trị ở quốc đảo này càng lún sâu hơn khi cảnh sát sử dụng vũ lực để trấn áp các nhà lãnh đạo đối lập, những người tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục