Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Cần nhiều thời gian xây lại lòng tin

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nói rằng cần phải mất nhiều thời gian mới có thể xây dựng lại lòng tin giữa các nước vùng Vịnh.
Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Cần nhiều thời gian xây lại lòng tin ảnh 1Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 15/8, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nói rằng cần phải mất nhiều thời gian mới có thể xây dựng lại lòng tin giữa các nước vùng Vịnh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực vẫn tiếp tục bế tắc.

Phát biểu trước báo giới tại Doha, ông Al-Thani nêu rõ căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đã làm thay đổi các mối quan hệ khu vực, giữa lúc mối bất đồng giữa Qatar và nhóm bốn quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã bước sang tuần thứ 11.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Qatar nhấn mạnh: "Qatar là một trong những quốc gia sáng lập Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và chúng tôi vẫn luôn coi tổ chức này có ý nghĩa to lớn đối với tất cả chúng tôi trong khu vực."

Được thành lập vào năm 1981, GCC có 6 quốc gia thành viên, gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

[UAE: Khủng hoảng Qatar không phải do dân mà bắt nguồn từ chính phủ]

Theo ông Al-Thani, GCC được xây dựng trên cơ sở an ninh chiến lược và lòng tin, nhưng thật không may, với những gì xảy ra gần đây, các nhân tố này đang mất đi và cần rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng lại lòng tin.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Thông tin Bahrain Ali Al Romaihi tuyên bố rằng các chính sách thông tin và truyền thông của Qatar là một phần của vấn đề, không phải một phần của giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.

Phát biểu trên Kênh truyền hình nhà nước Bahrain tối 15/8, ông Al Romaihi khẳng định: "Những ai cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar bắt đầu khi các nước chống khủng bố quyết định tẩy chay Qatar là sai lầm.

Nhân tố đứng đằng sau mối bất hòa là các chính sách truyền thông của Qatar. Kể từ khi kênh truyền hình Al Jazeera ra đời, Doha đã có hành vi khinh miệt các mối quan hệ của chúng ta."

Theo ông Al Romaihi, Bahrain đã trở thành mục tiêu then chốt của Al Jazeera khi kênh truyền hình này phát hơn 900 sản phẩm thông tin tiêu cực chống lại Bahrain.

Từ đầu tháng 6 vừa qua, nhóm 4 nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Doha với cáo buộc quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực. Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục