Tuần báo The Arab Weekly vừa có bài phân tích về những diễn biến gần đây ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Beirut (Liban) mới đây rõ ràng đã cho thấy sự hiện diện của các máy bay không người lái trên chiến trường cũng như trong các hoạt động “vụng trộm.”
Có thể nói, cuộc chiến máy bay không người lái ở khu vực Trung Đông đang diễn biến một cách nhanh chóng, trở thành nguyên nhân khiến xung đột lan rộng và cũng có thể trở thành những cái cớ để tuyên bố chiến tranh.
Vụ oanh tạc của không quân Israel ngày 24/8 vừa qua nhằm vào các máy bay không người lái của Iran được triển khai ở Syria là một minh chứng cho điều đó.
Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã lên tiếng cáo buộc rằng một số “máy bay không người lái giết người” của Iran đã được triển khai gần thủ đô Damascus của Syria để chuẩn bị tham gia tác chiến với mục tiêu được cho là nhằm vào Nhà nước Do Thái.
Năng lực của các máy bay không người lái, được cho là do Iran chế tạo, mà lực lượng phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi’ite sử dụng trong cuộc xung đột ở Yemen là không thể xem thường.
Sự phát triển của các phương tiện bay không người lái (UAV) trong các hoạt động từ trinh sát, do thám cho tới thực hiện các phi vụ ném bom là không mới, nhưng những diễn biến gần đây ở Yemen cho thấy sự nâng cao đáng kể về tính hiệu quả và hiệu lực của các UAV được trang bị vũ khí.
Cuộc chiến bằng máy bay không người lái của lực lượng Houthi đã đạt cấp độ mới về sự tinh vi với việc làm hư hại trạm bơm dầu ở gần thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
[Liban cáo buộc máy bay không người lái Israel xâm phạm không phận]
Chiếc máy bay không người lái này đã bay tới vài trăm km trước khi thực hiện vụ tấn công chính xác nhằm vào mục tiêu trên lãnh thổ Saudi Arabia.
Máy bay không người lái có khả năng nhắm mục tiêu tốt hơn và có thể bay xa hơn, đồng thời giúp tiết kiệm được nhiều chi phí, vì vậy những chiếc máy bay không người lái do Iran chế tạo hiện trở thành một mục tiêu chiến lược.
Từ những thợ săn trở thành con mồi, những chiếc máy bay không người lái đã trở thành mục tiêu cần phải loại bỏ trong các cuộc tấn công phủ đầu.
Ngày 25/8, một ngày sau cuộc không kích của IDF, một máy bay do thám không người lái đã mở đường cho một chiếc máy bay không người lái khác có mang theo chất nổ đã phát nổ ở gần trung tâm truyền thông của phong trào Hezbollah nằm ở phía Nam thủ đô Beirut của Liban.
Ngay sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái bị tình nghi do phía Israel tiến hành này lại xảy ra một vụ tấn công bằng máy bay không người lái khác nhằm vào cơ sở của Các lực lượng huy động nhân dân (PMF), vốn quy tụ các nhóm Hồi giáo dòng Shi’ite được Iran huấn luyện, ở al-Qaim (Iraq).
Vụ tấn công này đã khiến PMF chịu tổn thất nặng nề với 2 chiếc máy bay chiến đấu bị phá hủy. Còn vụ việc xảy ra ở Beirut chỉ làm hư hỏng một tòa nhà, nhưng Tổng thống Liban Michel Aoun đã tuyên bố rằng vụ tấn công bằng máy bay không người lái này có thể được coi là hành động tuyên chiến.
Cách thức thực hiện vụ tấn công ở Beirut được cho là cũng tương tự như vụ âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi tháng 8 năm ngoái.
Không hiệu quả bằng vụ tấn công ở Beirut mới đây, hai chiếc máy bay không người lái dính líu tới vụ tấn công ở Caracas đã phát nổ sớm và không thể điều khiển được.
Do chịu ảnh hưởng của các thiết bị phá sóng, thiếu các kỹ năng điều khiển của phi công hay khoảng cách quá lớn so với mục tiêu có thể là những nguyên nhân dẫn đến thất bại của vụ mưu sát này.
Thật không may, trong một tương lai không xa, những vấn đề này sẽ được giải quyết bằng những giải pháp kỹ thuật khả thi và không mất nhiều chi phí.
Khi bình minh của chiến tranh máy bay không người lái đến gần, nguy cơ tiềm tàng thực sự và ảnh hưởng của các hệ thống tự điều khiển gây chết người bằng trí tuệ nhân tạo sẽ lộ diện.
Theo The Arab Weekly, những lo ngại về an ninh liên quan đến máy bay không người lái đã từng được cảnh báo trước đó. Một số chuyên gia ở Trung Đông cho rằng các cường quốc thế giới đang sử dụng khu vực này làm bãi thử các loại vũ khí mới.
Hiện đã xuất hiện “bóng ma” về “các hệ thống vũ khí tự động," trong đó có máy bay không người lái, được điều khiển bằng máy tính thay vì con người trong việc lựa chọn và tấn công các mục tiêu.
Nhiều nhà nghiên cứu và các tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi ban hành một lệnh cấm toàn cầu đối với những hệ thống vũ khí như vậy.
Giới chuyên gia chỉ rõ máy bay không người lái thế hệ mới cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Việc số lượng các máy bay không người lái ngày càng tăng như hiện nay đang đặt ra thách thức cả về chiến lược, an ninh và luật pháp ở Trung Đông, đồng thời cũng đặt ra một loạt vấn đề cấp bách cần phải giải quyết./.