Khủng hoảng kinh tế khiến hợp tác Đông Á có ý nghĩa đặc biệt hơn

Hợp tác ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với sự phát triển của khu vực mà còn đối với sự phục hồi và thịnh vượng toàn cầu.
Khủng hoảng kinh tế khiến hợp tác Đông Á có ý nghĩa đặc biệt hơn ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính sách của các nước nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 đã tạo ra kết quả tích cực, nhưng cũng mang lại những yếu tố khó lường.

Thị trường vốn của các nền kinh tế lớn có thể có những biến động lớn trong năm tới hoặc lâu hơn, điều này chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nước khác.

Đối mặt với đại dịch, thương mại và đầu tư ở mức cao là phương tiện cơ bản giúp nhân loại thoát khỏi suy thoái và đặc biệt giúp phát huy hết tiềm năng hợp tác khu vực.

Hiện tại, nhiều học giả Trung Quốc có thái độ tích cực đối với việc nước này khởi động đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

[AMM 53: Thái Lan đề cao hợp tác Đông Á để giải quyết thách thức chung]

Có thể nói, hợp tác ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với sự phát triển của khu vực mà còn đối với sự phục hồi và thịnh vượng toàn cầu.

Dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào giữa tháng 10 vừa qua cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ là -4,4%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới.

Ảnh hưởng của dịch bệnh còn được phản ánh qua tỷ lệ thất nghiệp. Tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên mức 14,7% trước khi giảm xuống còn 6,9% vào tháng 9/2020 so với mức 3,5% trước khi dịch bùng phát.

Tác động đối với các ngành nghề và đối tượng khác nhau có sự khác biệt lớn, những người có thu nhập thấp, thanh niên và phụ nữ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất và tình trạng của người nghèo ngày càng xấu đi.

Hiện tại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu phục hồi nhưng tốc độ phục hồi giữa các quốc gia có sự khác biệt.

Nguyên nhân là do nền kinh tế mới nổi chủ yếu ở khu vực này đã suy giảm mạnh ngoài dự đoán, GDP Ấn Độ đã giảm hơn 10% trong năm nay và ước tính khoảng 200 triệu người đã trở lại cảnh nghèo đói.

Đây cũng là một trong những lý do chính khiến các tổ chức quốc tế lớn liên tục kêu gọi tránh rút sớm các khoản hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Những chính sách tạo ra rủi ro trong dài hạn

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng đã xuống mức thấp như vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy một số yếu tố tích cực.

Dự báo tháng 10 của IMF về tăng trưởng toàn cầu trong năm nay cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2020.

Cho dù dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở một số quốc gia và khu vực, tác động của nó đối với phục hồi kinh tế và niềm tin thị trường cuối cùng sẽ bị suy yếu đáng kể.

Với việc người dân từng bước nâng cao ý thức phòng ngừa, kinh nghiệm ứng phó và khả năng phòng chống dịch, nhiều khả năng đại dịch sẽ được kiểm soát chặt chẽ hoặc bình thường hóa.

Theo dự báo của IMF, kinh tế thế giới sẽ phục hồi vừa phải vào năm 2021 với mức tăng trưởng 5,2%, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng 6,9%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 6 vừa qua.

Triển vọng kinh tế của các quốc gia rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm, hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và mức độ phụ thuộc của mỗi nước đối với hoạt động có liên quan đến trao đổi, tiếp xúc và nhu cầu từ bên ngoài.

Trước sự bùng phát đột ngột của dịch bệnh, các quốc gia đã áp dụng nhiều đối sách khác nhau.

Năm 2020, các gói cứu trợ tài chính do các quốc gia phát động có tổng trị giá lên tới 21.000 tỷ USD, khiến tỷ lệ nợ chính phủ toàn cầu tăng lên 96,4% GDP, từ mức 83,3% của năm 2019, trong đó thâm hụt tài chính năm 2020 của Mỹ là 3.300 tỷ USD, tương đương16% GDP.

Một công cụ khác trong gói công cụ chính sách là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh mục tiêu lạm phát dài hạn xuống 2% và công bố chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn. Điều này khiến bảng cân đối kế toán của Fed tăng nhanh chóng từ 4.200 tỷ USD vào tháng 1/2020 lên 7.100 tỷ USD vào cuối tháng 6/2020.

Tuy nhiên, chính sách của các nước đã tạo ra những tác động tích cực, đồng thời cũng gây thêm những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn.

Nhìn từ góc độ toàn cầu, mặc dù sự phục hồi của nền kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ về giá tài sản ở một mức độ nào đó, ít nhất là trong mắt các nhà kinh tế của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, song sự tách biệt của giá tài sản rủi ro khỏi triển vọng kinh tế và sự suy giảm chất lượng tín dụng vẫn tồn tại. Điều này có nghĩa là nhiều khả năng thị trường vốn của các nền kinh tế lớn sẽ có những biến động lớn trong năm tới.

Những biến động lớn trên thị trường vốn của các nền kinh tế lớn nhất định sẽ kéo theo tác động tiêu cực đến các quốc gia và khu vực khác và từ đó sẽ kích thích phản ứng tiêu cực. Cùng với đó là xu hướng giảm giá của đồng USD.

Từ giữa tháng 3 đến tháng 10, giá trị đồng USD đã giảm khoảng 7%. Các yếu tố mang tính xu hướng chủ yếu dẫn đến đồng USD mất giá là thâm hụt tài khóa của Mỹ tăng mạnh và chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.

Xét đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt, không loại trừ khả năng đồng USD có thể tăng giá do thay đổi cung cầu.

Tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Một tác động quan trọng khác của dịch COVID-19 đối với thế giới là tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Người ta ước tính rằng các công ty toàn cầu có thể chuyển 1/4 sản phẩm toàn cầu của họ sang các quốc gia mới trong 5 năm tới và 50% hoạt động sản xuất dược phẩm và quần áo sẽ được chuyển sang các quốc gia mới.

Tổng giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng sẽ ở mức 2.900-4.6000 tỷ USD, chiếm khoảng 16-26% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018.

Cụ thể đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, một kịch bản kết quả được công bố vào tháng Bảy vừa qua cho thấy đến năm 2023, thương mại Mỹ-Trung sẽ giảm 15% so với năm 2019.

Trong bối cảnh đó, các chính sách được nhiều nước áp dụng nhằm tăng tỷ lệ tự cung tự cấp hoặc nội địa hóa đã làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một số quốc gia đã rục rịch hoặc lên kế hoạch đưa ra các chính sách khuyến khích ngành sản xuất “tách rời” hoặc hướng về quê hương với mục đích là sử dụng một loạt các quy tắc quốc tế mới có lợi để đặt đối thủ cạnh tranh vào chuỗi giá trị toàn cầu ở mức vừa và thấp.

Đối với các công ty, xu hướng đánh giá lại toàn diện chuỗi giá trị, rút ngắn chuỗi cung ứng và đầu tư vào chuỗi cung ứng linh hoạt hơn chủ yếu xuất phát từ những thực tế liên quan đến căng thẳng thương mại, thảm họa khí hậu và các cuộc tấn công mạng, chênh lệch lao động, không gian bị thu hẹp do tiến bộ công nghệ, nhu cầu giao hàng nhanh của người tiêu dùng tăng lên; số hóa sản xuất và dòng nhân sự giảm...

Cải cách quản trị kinh tế toàn cầu và hợp tác khu vực vừa là vấn đề trung dài hạn, vừa là vấn đề ngắn hạn.

Đối mặt với đại dịch mới, tất cả các quốc gia trên thế giới cần tăng cường hợp tác và cách thức hợp tác cơ bản là dựa vào hệ thống đa phương hiện có bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đối phó với các vấn đề toàn cầu hoặc liên tục nâng cấp và cải tiến các quy tắc quốc tế hiện hành.

Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, có nhiều dư luận, rào cản khác nhau cản trở sự hợp tác giữa các quốc gia. Ví dụ, chính phủ của một số quốc gia khuyến khích “tách rời.”

Thương mại tự do hay toàn cầu hóa kinh tế nhìn chung là một trong những cách cơ bản để cải thiện đời sống nhân loại, đã bị đặt câu hỏi trong thế giới hiện nay, mặc dù hầu hết mọi người đều hiểu rằng vấn đề thực sự là hệ thống phân phối nội bộ và chính sách của các quốc gia.

Nguyên nhân sâu xa khiến hợp tác đa phương khó đạt được là do hệ thống quốc tế hoặc các quy tắc quản trị toàn cầu có những đặc điểm không trung lập mạnh mẽ và các quốc gia hàng đầu cố gắng bảo vệ và mở rộng lợi ích của mình bằng cách tạo ra, duy trì hoặc thay đổi các quy tắc quốc tế.

Khi quá trình cải tổ của Tổ chức Thương mại Thế giới bị cản trở nghiêm trọng, không loại trừ khả năng chính phủ mới của Mỹ liên kết với các đồng minh để cô lập Trung Quốc.

Hiện tại, một số tổ chức tư vấn đã đề xuất thay thế Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhằm khởi xướng việc những người được gọi là "cùng chí hướng" thiết lập một hệ thống song song, ngay cả khi người khác phải trả giá hoặc thậm chí thua cuộc.

Tiềm năng hợp tác khu vực

Đối với thế giới ngày nay, thương mại và đầu tư ở mức độ cao hơn là những phương tiện cơ bản và cấp thiết để giúp nhân loại thoát khỏi suy thoái. Trong khi thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp hệ thống đa phương toàn cầu, chúng ta đặc biệt cần phát huy hết tiềm năng của hợp tác khu vực.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã hoàn tất và chính thức được ký kết.

Việc ký kết đầy đủ sẽ có ý nghĩa quan trọng để khu vực châu Á-Thái Bình Dương thoát khỏi bóng đen của cuộc khủng hoảng và đạt được tốc độ tăng trưởng đều đặn.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa cho hiệp định CPTPP, nhiều học giả Trung Quốc có thái độ tích cực trước việc này và ngày càng có nhiều học giả Trung Quốc chủ trương đẩy nhanh tiến trình đàm phán khu vực mậu dịch tự do Trung-Nhật-Hàn.

Là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản có trách nhiệm lớn lao trong việc phòng chống dịch và đưa thế giới trở lại quỹ đạo phát triển bình thường.

Ở cấp độ toàn cầu, Trung Quốc và Nhật Bản có không gian hợp tác rộng rãi và hai nước có thể đàm phán và thảo luận về các vấn đề như cải cách WTO, phát triển bền vững và chính sách y tế công cộng toàn cầu; ở cấp khu vực, hai nước có thể và cần đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, thảo luận và mở ra lộ trình đàm phán, thời gian biểu cho việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Ở cấp độ song phương, Trung Quốc và Nhật Bản nên cùng nỗ lực tìm cách làm hồi sinh hệ thống kho bãi, tận dụng hiệu quả các cơ cấu hợp tác kinh tế và thương mại cũng như tiền tệ và tài chính hiện có, đồng thời mở rộng quy mô, nâng cấp các kênh hiện có và mở ra các kênh mới.

Những thay đổi sâu sắc trong quan hệ Mỹ-Trung đã đẩy quan hệ Trung-Nhật đến một ngã rẽ mới.

Từ góc độ dài hạn, bản chất “tổng bằng 0” của cạnh tranh Mỹ-Trung cuối cùng có thể sẽ trở lại quỹ đạo hợp tác và Mỹ sẽ nhường chỗ cho Trung Quốc trong hệ thống quốc tế.

Quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản rất khăng khít, đều là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, vì vậy, xử lý hợp lý mối quan hệ ba bên Trung-Nhật-Mỹ là đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hậu đại dịch.

Duy trì sự tự chủ và linh hoạt của quan hệ Trung-Nhật, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với quan hệ song phương Trung-Nhật, mà còn đối với sự ổn định của quan hệ ba bên Trung-Nhật-Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục