Khủng hoảng Hy Lạp không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý du khách

Khá nhiều du khách tới thăm quan Athens (Hy Lạp) ngày 22/6 cho biết họ không quá chú tâm tới việc phải dự trữ đủ tiền mặt đề phòng trường hợp các máy rút tiền tự động ở nước này ngưng hoạt động.
Ảnh minh họa. (Nguồn: snipview)

Khá nhiều du khách tới thăm quan Athens (Hy Lạp) ngày 22/6 cho biết họ không quá chú tâm tới việc phải dự trữ đủ tiền mặt đề phòng trường hợp các máy rút tiền tự động ở nước này ngưng hoạt động do diễn biến không tích cực từ cuộc khủng hoảng nợ, mặc dù một số nhóm lữ hành cảnh báo về tình trạng này.

Hy Lạp đang "mắc kẹt" trong các cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế sau khi cuộc gặp của bộ trưởng tài chính và hội nghị thượng đỉnh các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels kết thúc ngày 22/6 mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Athens đang rất cần tiền cứu trợ để tránh nguy cơ bị vỡ nợ và khả năng phải “nói lời tạm biệt” Eurozone.

Thất bại trong việc đạt được các thỏa thuận với nhóm chủ nợ có thể buộc Hy Lạp phải tiến hành các biện pháp kiểm soát nguồn vốn để ngăn chặn việc rút tiền lên tới hàng tỷ euro ra khỏi các ngân hàng nước này trong mấy ngày gần đây, cho dù chính quyền Athens hiện vẫn đang phủ nhận các kế hoạch này.

Theo tờ Daily Express của nước Anh, du khách từ xứ sở sương mù tới Hy Lạp đã được cảnh báo về khả năng máy rút tiền tự động tại Hy Lạp có thể ngưng hoạt động, và khách du lịch đã được khuyến nghị cần mang theo tiền mặt cùng với thẻ tín dụng.

Bất chấp những lời cảnh báo trên, lượng khách tới Athens du lịch chỉ suy giảm chút ít, với nhu cầu đặt trước tour du lịch vẫn cao. Một đôi du khách đến từ Canada, khi trả lời câu hỏi họ có mang theo tiền mặt khi sang Hy Lạp du lịch hay không, cho biết họ đã được khuyến cáo về nguy cơ sẽ gặp phiền toái vì cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp, tuy nhiên mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp. Chỉ có một chút quan ngại về các cuộc biểu tình trên đường phố ở thủ đô của Hy Lạp, với một số du khách đến từ các nơi khác như Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trên.

Du lịch hiện chiếm gần 20% GDP Hy Lạp và là “chìa khóa” quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Athens nhằm cố thoát khỏi suy thoái sau nhiều năm phải thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng và tình hình xã hội bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục