Khủng hoảng Hy Lạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước láng giềng

Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp không những ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân nước này mà còn có tác động không nhỏ đến các nước láng giềng vùng Balkan.
Người dân Hy Lạp tuần hành phản đối chính sách khắc khổ trước tòa nhà Quốc hội ở Athens ngày 29/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp không những ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân nước này mà còn có tác động không nhỏ đến các nước láng giềng vùng Balkan.

Một số nước như Albania, Kosovo, Serbia, Macedonia và Bulgaria có nền kinh tế phụ thuộc vào Hy Lạp, và cũng dễ bị “tổn thương” hơn do thiếu các công cụ tài chính để ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ của “Xứ sở các vị thần”.

Hiện có khoảng 600.000 người Albania đang làm việc thời vụ ở Hy Lạp. Vào thời điểm đỉnh cao trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nguồn kiều hối mà người lao động Albania làm việc tại Hy Lạp và Italy gửi về nước chiếm đến 11,5% GDP của Albania. Kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 16 năm qua.

Nhiều lao động theo thời vụ người Albania làm việc tại Hy Lạp phải trở về nước mà chưa nhận được tiền lương do các ngân hàng đóng cửa sau khi chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras áp đặt biện pháp kiểm soát vốn.

Trước tình hình bi đát tại Hy Lạp, nhiều người di cư Albania bắt đầu tìm đến Đức như một nơi “trú ẩn an toàn”. Theo ước tính, khoảng 16.000 người Albania đã đến Đức để mưu sinh trong giai đoạn 5 tháng đầu năm nay, với 4.900 người chỉ riêng trong tháng Năm.

Rủi ro tiềm năng đối với các nước khu vực Đông Nam Âu trong trường hợp Grexit (Hy Lạp rời khỏi Eurozone) cũng nằm trong chương trình nghị sự của chuyến đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến thăm ba nước vùng Balkan gồm Albania, Serbia và Bosnia-Herzegovina trong hai ngày 8-9/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục