Trang mạng responsiblestatecraft.org đưa tin mới 2 tháng trước, mọi thứ dường như diễn ra khá thuận lợi đối với Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ) tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Joe Biden đã hội đàm trực tuyến cùng những người đồng cấp, động thái giúp tăng tầm quan trọng và tính hợp pháp cho Bộ Tứ - nhóm bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Trong số những kế hoạch nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, các quốc gia thành viên của Bộ Tứ đã ưu tiên cho việc phát triển chính sách ngoại giao vaccine riêng của nhóm.
Bộ Tứ quyết định tài trợ cho quá trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại các cơ sở của Ấn Độ và phân phối chúng tới các quốc gia Đông Nam Á thông qua hệ thống hậu cần của Australia.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, kế hoạch này bị tạm ngưng do Ấn Độ banh hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine.
[Bộ Tứ hỗ trợ tăng cường năng lực sản xuất vaccine COVID-19 của Ấn Độ]
Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ấn Độ đã làm dấy lên hoài nghi rằng liệu cạnh tranh, thay vì hợp tác, có phải là phương pháp đúng đắn để chống lại đại dịch toàn cầu hay không?
Thật đáng kinh ngạc khi Ấn Độ từ một quốc gia “kiểu mẫu” đối với các nước thiếu vaccine đã trở thành một trong những quốc gia cần vaccine nhất.
Trước khi ban hành lệnh cấm, theo sáng kiến Covax được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn, chính phủ Ấn Độ đã bán, tặng hoặc cung cấp 66 triệu liều vaccine cho ít nhất 95 quốc gia, từ những đảo quốc nhỏ bé như Seychelles cho tới Brazil.
Những lô vaccine thuộc chương trình Vaccine Maitri (Vaccine hữu nghị) thường được gửi đi với sự phô trương ầm ĩ và điều này là dễ hiểu. Ấn Độ muốn truyền tải tới thế giới hình ảnh của một quốc gia bác ái.
Khi Ấn Độ đang bận rộn "ghi điểm" trong cuộc đua “tiêm chủng thế giới,” quốc gia này lại vô tình khiến bản thân trở nên dễ bị tổn thương trước làn sóng COVID-19 thứ hai.
Hiện nay, chỉ 2,5% trong số 1,3 tỷ người Ấn Độ được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, hơn 1/3 số người Mỹ đã được tiêm vaccine đầy đủ và gần một nửa số còn lại ít nhất đã được chủng ngừa một phần.
Các bệnh viện của Ấn Độ đã không dự trữ đủ Remdesivir, thuốc tiêm kháng virus chưa được WHO phê chuẩn chính thức trong điều trị COVID nhưng được biết đến với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục.
Họ cũng không có đủ nguồn cung oxy cần thiết, vốn rất quan trọng trong việc giúp giảm nhẹ tình trạng hen suyễn mãn tính mà virus SARS-CoV-2 gây ra trên vật chủ.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng tới mức người dân Ấn Độ đang phải khẩn khoản nài xin các bình oxy ở trên mạng bởi hầu như không mấy ai có khả năng chi trả từ 800-1400 USD cho một bình oxy được bán ở chợ đen.
Một phần nguyên nhân nằm ở hệ thống y tế đang dần sụp đổ và thiếu thuốc kháng virus.
Nguyên nhân khác khiến Ấn Độ có số người tử vong kỷ lục vì dịch bệnh hiện nay là do hành động nới lỏng các tiêu chuẩn phòng chống COVID-19 của các chính trị gia Ấn Độ.
Thủ tướng Narendra Modi và các phó thủ tướng đã tổ chức mít-tinh bầu cử tại các bang chiến trường, và các đảng đối lập cũng chẳng tốt đẹp hơn khi họ cũng làm như vậy.
Ông Modi còn cho phép hàng triệu tín đồ Hindu sùng đạo được tụ tập bên bờ sông Hằng để tổ chức lễ hội Kumbh Mela nhằm giành lấy thiện cảm từ những người ủng hộ.
Theo nhiều nguồn tin, tỷ lệ lây nhiễm tại Ấn Độ tăng vọt ở những bang diễn ra các sự kiện “siêu lây nhiễm” nói trên.
Những hành động liều lĩnh này vẫn tiếp diễn cho tới khi đã quá muộn. Hiện tại, Ấn Độ đang bắt đầu xác lập những kỷ lục mới.
Các lò hỏa táng bị quá tải đã buộc người dân Ấn Độ phải chôn cất người thân ngay trong vườn nhà. Anthony Fauci đã mô tả tình hình hiện nay tại Ấn Độ “giống như chiến tranh.”
Tại sao Ấn Độ phải chật vật như vậy, mặc dù quốc gia này đã có những thành công trong việc sản xuất vaccine?
Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đang sản xuất tới 2,5 triệu liều vaccine của Oxford-AstraZeneca mỗi ngày.
Tuy nhiên, phần lớn vaccine mà Viện Huyết Ấn Độ sản xuất sẽ được chuyển cho Covax với mục tiêu tạo ra sự bình đẳng trong quá trình phân phối vaccine bằng cách cung cấp vaccine cho những quốc gia mà nếu không có cơ chế này sẽ không thể tiếp cận vaccine.
Hệ quả là các máy bay chở vaccine liên tục rời Ấn Độ mỗi ngày, cho tới tận khi ông Modi cảm thấy cần phải ngưng mọi hoạt động chuyển vaccine ra nước ngoài.
Chính phủ của ông đã vội vã phê chuẩn một loại vaccine sản xuất trong nước của Bharat Biotech, trước khi số liệu của thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố, điều này làm dấy lên nhiều hoài nghi.
Trong khi đó, Bộ Tứ đang hợp tác cùng một công ty Ấn Độ khác là Biological E để sản xuất loại vaccine chỉ cần một liều duy nhất của Johnson & Johnson, tuy nhiên vẫn mất một khoảng thời gian nữa hoạt động sản xuất mới được vận hành đầy đủ.
Bởi vậy, một Ấn Độ đang tuyệt vọng đã phải tìm kiếm giải pháp từ đồng minh lâu đời là Nga thông qua việc phê chuẩn vaccine Sputnik V hồi giữa tháng 4/2021.
Hiện tại, Ấn Độ có 2 lựa chọn để đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.
Thứ nhất, Ấn Độ cần kiềm chế và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Thiệt hại là “chuyện đã rồi” và mọi cáo buộc đều hướng về ông Modi.
Ông Modi đã xem nhẹ sự an toàn của cộng đồng, không chịu rút ra bài học từ quá khứ, và có xu hướng “tranh công” khi tuyên bố hồi tháng 1 rằng ông đã cứu thế giới bằng cách ngăn chặn đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ. Tất cả những điều này đều góp phần thổi bùng lên cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ.
Hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Modi cần đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn an toàn. Truy vết tiếp xúc là gần như bất khả thi tại một quốc gia đông dân như Ấn Độ, ngay cả trong giai đoạn ổn định. Bởi vậy, chính phủ phải khuyến khích người dân duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay.
Thứ hai, Ấn Độ có thể tiếp cận các quốc gia dư thừa vaccine hoặc sẵn sàng chia sẻ nguồn dự trữ vaccine chiến lược của họ. Mỹ có thể hỗ trợ Ấn Độ và nước này đã cung cấp một số nguyên liệu để bào chế vaccine cho Ấn Độ chứ không phải là vaccine hoàn chỉnh. Trung Quốc là một ứng cử viên nữa.
Tuy nhiên, Ấn Độ có chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của ông Tập Cận Bình hay không tùy thuộc vào chính quyết định của New Delhi, nhưng sẽ rất mất mặt nếu Ấn Độ nhận sự hỗ trợ từ đối thủ hàng đầu của mình.
Trường hợp của Ấn Độ đã dạy chúng ta bài học rằng cạnh tranh không phải là con đường đúng đắn để giải quyết một vấn đề chung. Ấn Độ không nên lưỡng lự nhận sự giúp đỡ từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Mặc dù một số quốc gia như Israel và Mỹ đã đạt được bước tiến đáng kể trong quá trình tiêm chủng cho người dân, song đại dịch hiện nay vẫn nghiêm trọng như hồi năm ngoái. Chúng ta sẽ không thể kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh nếu các nhà sản xuất vaccine lớn không phối hợp cùng nhau để phân phối vaccine một cách công bằng.
Bởi thế, cho tới khi tình hình tại Ấn Độ tiến triển tốt hơn, những quốc gia bị trì hoãn nhận hoặc bị hủy bỏ các lô vaccine do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất cũng nên được quan tâm.
Nepal hiện đối mặt với tình hình tương tự như Ấn Độ, trong khi đó tại Bangladesh đã xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Vì vậy, Trung Quốc và Nga nên tham gia vào nỗ lực cung ứng vaccine toàn cầu một cách có hệ thống.
WHO đã phê chuẩn vaccine của Sinopharm và đang xem xét vaccine của Sinovac, Sputnik V sẽ là ứng cử viên tiếp theo.
Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất khác cũng nên được bổ sung vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu.
Ví dụ, Bangladesh sở hữu một ngành công nghiệp dược phẩm hiệu quả. Một mình công ty dược hàng đầu Bangladesh là Icepta có thể sản xuất từ 600 tới 800 triệu liều vaccine mỗi năm nếu công ty này mua được nguyên liệu thô và nhận được giấy phép từ một trong những nhà sản xuất vaccine do WHO phê duyệt, cũng như cách mà Viện Huyết thanh Ấn Độ đang sản xuất vaccine hiện nay.
Việc chính quyền Biden miễn trừ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19 cho tới khi nào đại dịch chấm dứt chắc chắn sẽ giúp cải thiện tình hình.
Trải nghiệm của Ấn Độ chính là lời cảnh báo tới thế giới rằng trừ phi các chương trình tiêm chủng hiệu quả được triển khai kèm theo đó là các biện pháp y tế chặt chẽ, nếu không dịch COVID-19 tái bùng phát sẽ là rất thảm khốc.
Với tình trạng vaccine sản xuất không theo kịp nhu cầu của thế giới, các cường quốc không nên theo đuổi những chính sách chỉ ưu tiên một số ít quốc gia mà làm ảnh hưởng tới các quốc gia còn lại.
Ngoại giao vaccine - điều ngăn cản việc hợp tác một cách có ý nghĩa giữa các cường quốc trong việc sản xuất và cung cấp vaccine - sẽ chỉ là “công thức” tạo ra thảm họa.
Sự bùng nổ các ca nhiễm tại Ấn Độ chính là một biểu hiện của “công thức” này, và cũng chính là biểu hiện của sự thiếu năng lực của chính phủ./.