Khủng hoảng chính trị Thái Lan chưa có hồi kết

Ngay cả khi Thủ tướng Yingluck từ chức thì triển vọng chính trường Thái Lan cũng chưa thể sáng sủa nếu các phe phái tiếp tục tranh giành quyền lực.
Biểu tình phản đối chính phủ tại Bangkoj. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hơn hai năm tạm yên sau khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên cầm quyền, chính trường Thái Lan những tháng cuối năm 2013 lại rung chuyển bởi làn sóng xuống đường chống chính phủ với sự tham gia của hàng trăm nghìn người do phe đối lập phát động, đẩy Xứ Chùa vàng vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Suốt bảy năm qua, kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của Thủ tướng đương nhiệm, bị lật đổ, chính trường Thái Lan chưa có lúc nào thực sự lặng sóng và vai trò cũng như ảnh hưởng của nhà tỷ phú 64 tuổi hiện sống lưu vong ở Dubai này vẫn tiếp tục là tâm điểm gây ra nhiều bất ổn đối với Thái Lan.

Những người biểu tình hiện nay có chung sự thù ghét ông, mà nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát cuộc chiến bất phân thắng bại hiện nay ở Bangkok được cho là liên quan đến chính sách hoà giải từng góp phần đưa bà Yingluck vào chiếc ghế Thủ tướng cách đây hơn hai năm.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra có lẽ đã thất bại trong chính sách hòa giải dân tộc khi bà không đưa ra lời xin lỗi như đã cam kết trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.

Hơn hai năm qua, Chính phủ của bà đã không truy tố những người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng năm 2010 khiến gần 100 người thiệt mạng.

Sau nhiều lần Thái Lan rơi vào khủng hoảng chính trị, chính sách hòa giải được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt quan trọng đối với Chính phủ của nữ Thủ tướng đầu tiên này của Xứ Chùa vàng. Chính vì vậy, việc Chính phủ tiến hành hòa giải bằng cách đề xuất dự luật ân xá, bị đánh giá là "mở đường để ông Thaksin trở về," đã kích hoạt sự chống đối, chủ yếu từ tầng lớp trí thức. Họ xem bà Yingluck cũng giống như người anh của bà.

Bởi vậy, làn sóng biểu tình lúc đầu chỉ là để phản đối dự luật ân xá, sau bùng nổ và lan rộng với yêu sách mới là đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Lãnh đạo phe đối lập biểu tình còn không ngần ngại tuyên bố họ sẽ tiếp tục xuống đường cho đến khi không còn "chế độ nhà Thaksin."

Để dẹp yên sự bất ổn, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã chọn giải pháp "lấy nhu thắng cương," không ngăn cản người biểu tình, đồng thời giải tán Hạ viện và đề xuất tổng tuyển cử trước thời hạn với cam kết chính quyền mới sẽ tiếp tục cải cách.

Tuy vậy, phe đối lập vẫn kiên quyết tiếp tục biểu tình và phản đối bầu cử, đòi phải cải cách trước rồi mới bầu cử sau. Họ đòi bà Yingluck chuyển giao quyền lực cho một "Hội đồng nhân dân" còn chưa rõ hình thù do họ có ý định lập ra.

Xem ra "liều thuốc” mà Thủ tướng tạm quyền Yingluck đưa ra vẫn không thể chữa trị được "căn bệnh" khủng hoảng hiện nay ở vương quốc Đông Nam Á này.

Ở một quốc gia dân chủ, giải pháp mà bà Yingluck đưa ra là hợp lý, bởi vì khi các đảng phái chính trị mâu thuẫn với nhau thì phải để cho người dân phân xử qua lá phiếu.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay là xã hội Thái Lan hiện bị chia rẽ quá trầm trọng, giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và bên kia là những người không đội trời chung với ông.  Vì vậy, ngay cả khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra có từ chức thì cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng tình hình sẽ dần đi vào ổn định. Triển vọng chính trường Thái Lan cũng chưa thể sáng sủa nếu các phe phái tiếp tục tranh giành quyền lực.

Hiện phe đối lập không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ dừng bước. Mục tiêu của họ là lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nhưng bản thân phe đối lập cũng không thể định đoạt được tình hình trong tương lai khi mâu thuẫn về lợi ích chưa được tháo gỡ.

Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập chủ yếu, cũng đang lâm vào nghịch lý. Năm 2010, khi ông này giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan thì chính quyền đã tiến hành đàn áp người biểu tình. Giờ đây, ông Abhisit lại gia nhập phong trào chống chính phủ để tìm kiếm lợi ích cũng như ảnh hưởng cho đảng của mình. Đó là vòng luẩn quẩn thường thấy trên chính trường Thái Lan.

Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Thái Lan không hứa hẹn sẽ được giải quyết sớm vì những người biểu tình chống chính phủ cố duy trì áp lực với hy vọng tình hình sẽ bị đẩy lên cao đến mức buộc quân đội phải can thiệp.

Đến nay, lực lượng quân đội, vốn tự coi mình là những người bảo vệ nền quân chủ Thái Lan, vẫn giữ nguyên quan điểm không can thiệp vào "cuộc đối đầu" sau bài học đắt giá năm 2010, song sớm hay muộn lực lượng này có thể cũng sẽ có hành động cụ thể hoặc đóng vai trò hòa giải giữa các bên.

Giới quan sát không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một cuộc đảo chính quân sự nếu giới lãnh đạo quân đội cho rằng Chính phủ dân sự không đủ khả năng chấm dứt bạo lực xuất phát từ những cuộc biểu tình trên đường phố Bangkok.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về Thái Lan cho rằng cuộc khủng hoảng này vẫn còn một lối thoát hẹp là chính quyền và phe đối lập sẽ bắt tay với nhau để thành lập một "Chính phủ đoàn kết dân tộc."

Trước thời điểm bước sang năm mới 2014 và đặc biệt cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào ngày 2/2/2014 đang đến gần, chính trường Thái Lan sẽ đi đến đâu vẫn đang là một ẩn số khó đoán định.

Thế nhưng có một điều ai cũng thấy rõ là những thiệt hại về kinh tế mà nước này phải hứng chịu là không thể lường được, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, thương mại, công nghiệp, đầu tư...

Du lịch - ngành dịch vụ hái ra tiền của Thái Lan - bị ảnh hưởng nặng nề do du khách hạn chế tới đây và doanh thu từ ngành này dự báo sẽ mất 25 tỷ baht (hơn 16.000 tỷ đồng) trong tháng 12/2013.

Ngoài ra, tình hình bất ổn ở Thái Lan đang tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư, có thể buộc họ chuyển vốn và công việc kinh doanh sang nước khác trong khu vực.

Những ảnh hưởng tiêu cực của bất ổn chính trị đến tốc độ phát triển kinh tế của Thái Lan đã lộ diện một cách rõ ràng.

Giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm chỉ là những giải pháp tình thế mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra lựa chọn vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng" với hy vọng nhu có thể thắng cương. Tuy nhiên, giải pháp này lại như "đổ thêm dầu vào lửa," khiến phe đối lập càng thêm quyết tâm lật đổ Chính phủ, đẩy tình hình đến chỗ khó kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, dư luận cho rằng con đường duy nhất giúp khôi phục ổn định tại quốc gia Đông Nam Á này là tìm sự đồng thuận thông qua đối thoại-hòa giải trên cơ sở dân chủ và tôn trọng luật pháp.

Song, để có được sự hàn gắn đó sẽ là một hành trình rất dài và đầy gian nan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục