Khủng hoảng chính trị gia tăng áp lực lên nền kinh tế Pháp

Những căng thẳng chính trị đã đẩy chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp với Đức lên mức cao nhất kể từ năm 2012.  
Thủ tướng Pháp Michel Barnier đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bế tắc chính trị đang làm gia tăng chi phí vay nợ của Pháp, khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ nước này có thời điểm ngang bằng với Hy Lạp, quốc gia từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã cảnh báo về nguy cơ diễn ra một "cơn bão" trên thị trường tài chính nếu tình hình này không được giải quyết.

Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Antoine Armand, mới đây khẳng định Chính phủ sẽ không nhượng bộ trước những "tối hậu thư" từ bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu.

Đảng RN cảnh báo ủng hộ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu Thủ tướng Michel Barnier không điều chỉnh ngân sách năm 2025, trong đó có việc gắn lương hưu với lạm phát. Hạn chót mà bà Le Pen đặt ra là ngày 2/12 (giờ địa phương), thời điểm phe đối lập có thể khởi động thủ tục kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Cuộc khủng hoảng chính trị Pháp bắt đầu từ tháng 6/2024, khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng Mặt trận Quốc gia (FN) đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Bà Le Pen đã thắng thế trong tuần qua khi buộc ông Barnier từ bỏ kế hoạch tăng thuế điện. Điều này khiến đảng cực hữu tiếp tục gia tăng yêu sách, có thể dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 4/12 tới.

Đồng euro giảm 0,4% trong phiên giao dịch tại châu Á và sang phiên giao dịch ngày 2/12, sau phát biểu của ông Armand. Ngân sách năm 2025 của Thủ tướng Barnier đặt mục tiêu giảm thâm hụt của Pháp xuống 5% GDP với gói cải cách trị giá 60 tỷ euro. Tuy nhiên, các yêu cầu điều chỉnh từ phía bà Le Pen có thể khiến ngân sách tăng thêm 10 tỷ euro. Chính phủ tuyên bố không nhượng bộ thêm, trong khi bà Le Pen cảnh báo sẽ hợp tác với phe cánh tả nếu không đạt được mục tiêu.

Những căng thẳng chính trị đã đẩy chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp với Đức lên mức cao nhất kể từ năm 2012. Thị trường chứng khoán Pháp cũng đang ghi nhận hiệu suất kém nhất trong khu vực châu Âu kể từ năm 2010.

Nếu ông Barnier bị bãi nhiệm, Tổng thống Macron sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng mới hoặc bổ nhiệm lại ông Barnier trong bối cảnh không thể tổ chức bầu cử sớm trước tháng 7/2025. Trong khi đó, ngân sách 2025 vẫn cần được gấp rút thông qua.

Ông Armand trấn an nhà đầu tư, khẳng định Pháp cam kết cải cách và duy trì vị thế dẫn đầu tại châu Âu cùng các cường quốc như Đức, Tây Ban Nha và Italy (I-ta-li-a)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục