Sau 3 ngày lập chốt chặn, “phong tỏa” đường vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn, chiều 25/12, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm bởi bãi rác lớn nhất Hà Nội tại xã Nam Sơn đã chính thức tháo dỡ lán, không còn ngăn chặn xe chở rác. Hàng ngàn tấn rác tồn đọng trong những ngày qua tại các khu vực nội thành Hà Nội đã dần được “giải cứu.”
Dù vậy, trên thực tế vẫn còn những nỗi lo mà các cấp chính quyền Hà Nội cần sớm giải quyết, bởi theo người dân "đây chỉ là lần chặn mang tính 'cảnh báo' vì sắp hết năm 2019, nhưng lời hứa của chính quyền với dân vẫn chưa được thực hiện. Người dân cũng khẳng định "nếu không được giải quyết, đầu năm 2020, sẽ lại chặn xe vào bãi rác."
Trong khi đó, nằm sát bên bãi rác lớn nhất thành phố Hà Nội, đến 14 giờ chiều 26/12, hàng chục người dân xã Hồng Kỳ (một trong ba xã của huyện Sóc Sơn chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ hoạt động của bãi rác) vẫn dựng lán, tụ tập chặn xe, chờ đợi câu trả lời chính thức từ lãnh đạo huyện và thành phố Hà Nội.
Mới thông một cửa, đường vào bãi rác vẫn "tắc"
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus tại khu vực gần bãi rác xã Nam Sơn, cho thấy "cửa vào" bãi rác đã được khai thông, để đón hàng loạt xe tải ra vào bãi rác.
Xác nhận với người viết, anh Huynh, một người dân ở xã Nam Sơn cho biết cuối chiều qua, 25/12, người dân xã trên địa bàn đã dỡ bỏ lều bạt, rút khỏi điểm chốt chặn tại cổng phía Nam đường vào bãi rác để "giải thoát" nguồn rác ở nội thành Hà Nội.
"Việc người dân lần này chặn xe là vì gần hết năm 2019 nhưng lời hứa với dân vẫn chưa được chính quyền thực hiện. Vì thế, lần chặn này là để 'cảnh báo.' Còn nếu hết năm nay, chính quyền huyện và thành phố vẫn không thực hiện đúng như lời hứa thì dân sẽ lại chặn xe," anh Huynh chia sẻ thêm.
["Ma trận đấu thầu tập trung": Nguy cơ "thất thủ" vì rác thải ở Hà Nội]
Trong khi đó, tại khu vực xã Hồng Kỳ, đến 14 giờ chiều nay, nhiều người dân vẫn còn tụ tập trước cổng nhà văn hóa xóm Hòa Bình, nằm ven con đường vào bãi rác. Mỗi khi xe tải chở rác chạy đến, người dân từ già tới trẻ lại lao ra, yêu cầu xe quay đầu, cương quyết không cho xe vào bãi rác…
Bày tỏ nỗi lo chính quyền lại "thất hứa," ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân xóm Hòa Bình, cho biết cực chẳng đã ông và người dân trong xóm mới tập trung chặn xe, để đời quyền lợi cho mình. Lý do là sắp hết năm 2019, nhưng chính quyền huyện vẫn chưa thực hiện đúng lời hứa với người dân, từ việc hỗ trợ, đền bù tiền ruộng, đất thổ cư, đến tái định cư.
"Nếu chính quyền huyện thực hiện đúng như những gì đã hứa thì chúng tôi đêm hôm ở đây ăn sương, nằm đất để chặn xe làm gì cho khổ," ông Hùng nói.
Vẫn theo ông Hùng, mặc dù chính quyền địa cam kết giải quyết ổn thỏa, đảm bảo quyền lợi chính đáng, nhưng đến nay, tiền ruộng vẫn trả cho giọt, việc di dời không được thực hiện, xe rác qua lại thì chảy nước xuống đường gây ô nhiễm, không chịu được.
"Hiện bên Nam Sơn đã có tái định cư, còn bên Hồng Kỳ vẫn chưa có," ông Hùng thông tin và cho biết "sống trong vùng bị ô nhiễm, người dân rất khốn khổ" nhưng mức giá đất thổ cư mà chính quyền đưa ra để chi trả cho người dân thì quá thấp.
"Đất thổ cư họ áp chung mức giá 78.000/m2 thì rẻ quá. Vì thế dân yêu cầu trả như cũ, cách đây 2 năm là 70%. Nếu chiều nay, huyện trả lời với dân và dứt khoát xử lý đúng lời hứa thì chúng tôi sẽ chấp thuận, chứ huyện và thành phố đã hứa đi hứa lại nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết gì," ông Hùng nói thêm.
Bãi rác Nam Sơn "hắt xì," nội thành lại "sổ mũi"
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là lần thứ 6, người dân sinh sống xung quanh bãi rác Nam Sơn lập chốt, chặn xe tải chở rác. Sau nhiều lần chặn xe, người dân dần nhận ra một quy luật: Hễ bãi rác Nam Sơn “hắt xì,” cả Hà Nội lại “sổ mũi." Thực tế, sau 3 ngày chặn xe, rác thải ở nội thành lại ùn ứ, nhiều tuyến đường ở nội thành đã ngập ngụa rác.
Dù vậy, với hàng trăm người dân sinh sống xung quanh bãi rác thải lớn nhất Thủ đô trong suốt 20 năm nay, việc chặn xe rác là cách hiệu quả nhất để thành phố phải trăn trở với nỗi khổ của những người dân từ năm này qua năm khác đang phải “sống chung” với ô nhiễm…
“Mặc dù huyện và thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng ô nhiễm nhưng tất cả vẫn không thấm vào đâu so với nỗi khổ sở mà chúng tôi phải chịu đựng. Vì thế, bây giờ chúng tôi muốn chính quyền thực hiện đúng cam kết như đã hứa với dân,” chị Nguyễn Thị Vân, người dân xã Hồng Kỳ bày tỏ và cho biết nguyện vọng của người dân bây giờ chỉ là được dời ra khỏi vùng bãi rác ô nhiễm.
Liên quan đến sự cố người dân chặn xe rác vào bãi Nam Sơn, ngày 24/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài Chính; Công an thành phố Hà Nội; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thị xã Sơn Tây đề nghị có phương án xử lý.
Theo văn bản do ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ký sau khi xem xét báo cáo của Sở Xây dựng về sự việc cùng phương án đề xuất của sở này về phân luồng rác trên địa bàn thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận phương án vận hành khu xử lý, phân luồng theo đề xuất của Sở.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thông báo và vận động người dân chủ động hạn chế khối lượng rác phát sinh; chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh trên địa bàn, che phủ, khử mùi, khử trùng các vị trí tập kết rác; thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng phương tiện, thiết bị để giải tỏa rác tồn ngay khi Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hoạt động trở lại.
Riêng với Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, không để tình trạng chặn xe vận chuyển rác tiếp diễn, kéo dài.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có trách nhiệm ghi nhận ý kiến của người dân, chủ động xin ý kiến của các Sở ngành để xem xét tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các hộ dân tại vùng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố những nội dung vượt thẩm quyền./.