Khung cảnh trái ngược của hai chợ đầu mối Hà Nội sau giãn cách xã hội
Trong những ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội, tại các chợ đầu mối của Hà Nội, trong khi chợ Long Biên (quận Ba Đình) nhộn nhịp, thì chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ) lại trầm lắng hơn hẳn.
Minh Sơn - Hoàng Hiếu
Chợ Long Biên nổi tiếng là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, chuyên cung cấp hoa quả cho các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Do hoa quả là một trong những mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh nên trong thời gian giãn cách chợ này vẫn được hoạt động bình thường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khoảng 1 giờ sáng ngày 26/4, chợ Long Biên vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Việc nới lỏng giãn cách đã đưa nhịp sống đêm tại đây nhộn nhịp trở lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy vậy, theo ghi nhận chung cho thấy sức mua hàng hoá đã giảm đi rõ rệt cả về giá và lượng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây cũng là nơi tập trung đông người qua lại, trong quá trình hoạt động ban quản lý chợ đã cử người liên tục theo dõi, rà soát, nhắc nhở tiểu thương và người dân tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trước đó, trong hai ngày 18-19/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm test nhanh cho tiểu thương chợ Long Biên để đánh giá yếu tố dịch tễ cộng đồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều hộ kinh doanh chợ Long Biên đã tìm kiếm các nguồn hàng mới ở tỉnh thành lân cận hoặc các quận ngoại thành Hà Nội để bán buôn số lượng lớn và hạn chế giữ lại hàng để bán lẻ như trước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là khu chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung cấp hoa quả, nông sản cho người dân Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không khí lao động tất bật bao trùm khu chợ. Đa phần các tiểu thương tỏ ra vui mừng sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Lê Xuân Lâm, ban quản lý chợ Long Biên cho biết, ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch theo quy định của thành phố. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số hộ kinh doanh trầu cau không nằm trong diện mặt hàng thiết yếu được ban quản lý chợ vận động tạm thời ngừng kinh doanh trước đó vẫn chưa mở hàng trở lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chợ hoa đêm Quảng Bá (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) đã rục rịch họp trở lại sau những ngày thực hiện cách ly xã hội. Tuy nhiên, chợ không có nhiều khách ghé thăm, không khí buôn bán khá ảm đạm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thời điểm 2 giờ sáng ngày 26/4, chợ chỉ lác đác vài sạp hoa được mở, còn lại đều vẫn đang phủ bạt, người mua cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Nguyễn Thuý Ngọc, một tiểu thương tại chợ cho hay, bình thường vào khoảng thời gian này, các xe chở hàng đã về khá đông và bắt đầu chuyển đơn hàng đi các nơi. Hiện tại, loại hoa được bán nhiều nhất ở chợ là hoa ly và cúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều tiểu thương tại đây cũng cho biết, các loại hoa trong nước như hồng, cúc thời gian vừa qua nở rộ nhưng phải bỏ đi nhiều vì đóng cửa thực hiện giãn cách toàn xã hội nên nguồn cung bị giảm sút đi nhiều. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không chỉ nguồn hàng bị giảm sút mà lượng khách đến mua cũng chỉ lác đác được vài người. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày thường, thời điểm 1 - 3 giờ sáng là lúc đông khách mua nhất. Thế nhưng hiện tại cả khu chợ chỉ lác đác người mua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trước thực trạng ít người mua nên các các tiểu thương chỉ trưng ra số lượng hàng cầm chừng. Bên cạnh đó, giá bán hoa cũng sụt giảm thê thảm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tất cả các tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá - chợ hoa đầu mối lớn nhất miền Bắc đều mong chờ hoạt động buôn bán sẽ sớm trở lại ổn định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ nay đến ngày 22/4, nếu Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, thành phố có thể hạ mức cảnh báo nhưng chắc chắn không thể nới lỏng toàn bộ, đặc biệt là vẫn hạn chế tập trung đông người.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, từ 0 giờ ngày 23/4, Hà Nội sẽ nới dần các hoạt động kinh tế, nhưng cấm một số dịch vụ như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, tập trung đông người...
Với việc không có thêm trường hợp nào mắc COVID-19 trong sáng 26/4 thì tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.