“Chiến công oanh liệt của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã chứng minh đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đồng thời cũng là kết quả của cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân ta suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, kết tinh từ tinh thần anh dũng, từ niềm tin và khát vọng chiến thắng của quân và dân ta,” Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng khẳng định.
Niềm tin chiến thắng
Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, trước đó là chống Pháp, với những gian khổ, hy sinh, nhưng chưa khi nào nhân dân ta vơi đi niềm tin vào chiến thắng. Toàn quân và dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương với những đường lối, chiến lược, sách lược chính xác, sắc bén.
Truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam chống các kẻ địch xâm lược hàng nghìn năm qua, đã hun đúc ý chí chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Trong thời điểm cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ, tinh thần yêu nước đó lại được khơi dậy và bùng lên mạnh mẽ.
[Khúc tráng ca hào hùng: Những người mang tiếng hát vào chiến trường]
Không phân biệt tuổi tác, thành phần xuất thân, người dân Hà Nội cũng như cả nước đều mong muốn được đóng góp công sức trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dù ai cũng nhận thức rõ dấn thân vào cuộc chiến thì mất mát, hy sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng gạt đi những hiểm nguy đó, lớp lớp người Hà Nội đã lên đường với ý chí quyết thắng, niềm tin thắng lợi.
Tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời, và Đại tá Đậu Xuân Tường, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Sư đoàn 470 - Binh đoàn Trường Sơn khu vực Hà Nội, đã dành những năm tháng đẹp nhất của đời mình để cống hiến cho lý tưởng cách mạng, cho những trận chiến đấu oanh liệt trên khắp các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông bồi hồi chia sẻ lớn lên chứng kiến đất nước bị chiến tranh, đau thương trùm lên nhiều gia đình, hoàn cảnh ấy đã hun đúc cho ông ý chí quyết tâm lên đường chiến đấu với mong muốn góp sức mình cùng cả nước đánh đuổi đế quốc Mỹ, với hành trang là một niềm tin tất thắng, trở về trong hòa bình.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thấm nhuần câu nói của Bác Hồ thời điểm đó: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam.”
Vì vậy, đang độ tuổi thanh niên, cô muốn xả thân vào chiến trường, cống hiến cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và cô đã quyết tâm lên đường.
Cũng như bao lớp thanh niên Hà Nội thời đó, họ không quản ngại khó khăn, xả thân nơi chiến trường với mong muốn góp sức mình chiến đấu, mang lại hòa bình cho đất nước. Bởi họ hiểu rằng, chiến đấu để chiến thắng, để đất nước không bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đàn áp, để Bắc-Nam liền một dải.
Phó Trưởng ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà lao Hỏa Lò Dương Tự Minh chia sẻ: “Lớp chúng tôi bấy giờ đều nghĩ rằng chiến đấu để thống nhất đất nước. Dù Mỹ là cường quốc thế giới nhưng chúng ta cũng không hề nao núng, mọi người đều quyết tâm dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải thống nhất đất nước.”
Người ra chiến trường thì chiến đấu hết mình, người ở hậu phương luôn mong ngóng tin mặt trận, làm tốt trách nhiệm của mình phục vụ cuộc đấu tranh đó. Bất cứ khi nào, mọi người cũng đều mơ về những giây phút chiến thắng, cả nước rợp cờ hoa, các anh bộ đội trở về trong niềm vui, niềm tự hào.
Khát vọng vươn tầm thế giới
Trong suốt những năm dài kháng chiến, từ những mất mát, đau thương do cuộc chiến mang lại, không khó hiểu khi nhân dân Hà Nội cũng như cả nước luôn khao khát chiến thắng.
Những khát vọng đó đã trở thành động lực để mọi người vượt lên, dốc sức cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và chế độ Ngụy quyền, thống nhất đất nước.
Thời bấy giờ, Hà Nội luôn làm tròn nhiệm vụ góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động ở Hà Nội như: “Tất cả vì tiền tuyến,” “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” đã thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong tất cả các lĩnh vực, tăng hiệu quả lao động. Công nhân các nhà máy, công trường, xí nghiệp hăng hái lao động, tăng giờ làm, tăng hiệu quả sản xuất vừa phục vụ nhu cầu xã hội, vừa chi viện hàng hóa cho chiến trường miền Nam.
Nhiều người đến nay vẫn còn nhớ phong trào “Ba đảm nhận” của phụ nữ huyện Đan Phượng trong lao động sản xuất, chăm lo gia đình và chiến đấu, làm tốt công tác hậu phương. Đây cũng là cơ sở để Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ cả nước.
Đặc biệt, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên Thủ đô, động viên thanh niên lên đường tòng quân đánh Mỹ. Phong trào đã thôi thúc hàng vạn thanh niên nhập ngũ, chi viện cho tiền tuyến.
Phó Trưởng ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà lao Hỏa Lò Dương Tự Minh cho biết: “Khi Đoàn thanh niên phát động phong trào Ba sẵn sàng thì chúng tôi đều sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ý thức bảo vệ Tổ quốc cháy bỏng trong tâm tư lớp thanh niên chúng tôi thời đó.”
Các thế hệ khác cũng nghĩ như vậy và khi đó cả Hà Nội hừng hực tinh thần lao động sản xuất, chiến đấu giải phóng đất nước. Mọi người ai cũng ra sức lao động sản xuất, thanh niên hăng hái lên đường vào chiến trường theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Niềm tin và khát vọng chiến thắng của quân và dân ta đã trở thành hiện thực. Trong 55 ngày đêm, kể từ khi mở các chiến dịch mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã giành toàn thắng. Hơn 1 triệu quân Ngụy và cả bộ máy Ngụy quyền bị đập tan.
Chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ dốc sức xây dựng qua nhiều đời tổng thống Ngụy hoàn toàn sụp đổ. Nhân dân ta đã chiến thắng cuộc chiến tranh thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và ác liệt nhất, mang lại thắng lợi cho dân tộc, thống nhất non sông liền một dải.
Hôm nay, nhìn lại thắng lợi đó, không ít người con Hà Nội tự hào đã cùng người dân cả nước viết lên khúc tráng ca hào hùng trong công cuộc giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Niềm tin và khát vọng chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn tạo đà để xây dựng, phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Những năm qua, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần quả cảm trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội chung sức đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập mạnh mẽ trong xu hướng toàn cầu hóa, xứng đáng là trái tim, trung tâm về mọi mặt của cả nước.
Hà Nội ngày nay đã mang tầm vóc của đô thị lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng khang trang, giáo dục-đào tạo có chuyển biến lớn, đời sống văn hóa được cải thiện, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được củng cố.
Hà Nội là điểm đến đầu tư của hàng nghìn tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, điểm đến tham quan của hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
Trong những giai đoạn tiếp theo, Thủ đô vẫn tiếp tục khẳng định bản lĩnh của một Thành phố anh hùng, Thành phố vì hòa bình./.