Hơn một tuần nay (từ ngày 30/6 đến 6/7), nắng nóng có lúc lên đến hơn 40 độ C. Để chống chọi với thời tiết này, người dân thành phố Hòa Bình cứ 17-19 giờ hằng ngày ra khu vực hai bờ kè sông Đà để tắm, biến nơi đây thành bãi tắm đông người.
Tuy nhiên, việc làm này thường trực nguy hiểm rình rập với nguy cơ đuối nước cao.
Các bãi tắm nằm san sát nhau, dọc theo hai bên bờ sông Đà, đoạn đông nhất nằm ngay dưới chân cầu Hòa Bình hướng về lòng hồ thủy điện.
Mỗi người một chiếc áo phao, nhuộm màu cả một khúc sông, trong khi giầy dép, xe máy, ôtô đỗ trên bờ.
Đây là khu vực nước sâu, không có bãi cát và những người đi tắm không phải ai cũng biết bơi, chỉ trông chờ vào những chiếc áo phao nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Anh Nguyễn Đức Anh (28 tuổi, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) chia sẻ chiều nào đi làm về anh cũng đưa vợ con ra bờ sông Đà tắm sông. Mùa này nước sông Đà trong xanh và mát lạnh. Dọc hai bờ sông đã được kè đá và bêtông nên tạo ra các bãi tắm rất lý tưởng.
[Infographics] Bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em
Một tuần gần đây, không chỉ có người trong thành phố mà nhiều người ở ngoại thành và các địa bàn lân cận cũng về sông Đà tắm.
Để đảm bảo an toàn, hầu hết người dân khi đi tắm ở bờ kè sông Đà đều mặc áo phao cứu hộ và mang theo các vật dụng hỗ trợ bơi lội như kính mắt, mũ chụp đầu, phao tròn...
Theo bà Lê Thị Thắm (54 tuổi), sông Đà tuy sâu nhưng nếu không phải mùa xả lũ thì dòng nước ở đây rất hiền hòa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương không ngăn cấm bơi ở sông nên người dân đưa con em ra tắm sông, đồng thời dạy các kỹ năng bơi lội cho các cháu nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Chung, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình, Ủy viên Ban Phòng chống và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hòa Bình cho biết, trước tình hình người dân đổ xô đi tắm tại hai bờ sông Đà, Ủy ban Nhân dân thành phố Hòa Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước tới các hộ gia đình, chủ phương tiện và nhân dân để chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Thành phố chỉ đạo lực lượng công an, quản lý trật tự đô thị phường, xã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra các điều kiện an toàn của bến đò ngang và phương tiện nội địa; đồng thời tiến hành rà soát các khu vực ven các tuyến đường thủy nội địa và các điểm neo đậu phương tiện thủy nội địa, đặc biệt chú trọng khu vực dọc theo hai bờ sông Đà do trào lưu tắm sông của người dân.
Thành phố đã cắm 7 biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm; huy động nhiều canô của lực lượng an ninh, cứu hộ thường xuyên tuần tra để đảm bảo an toàn cho người dân./.