'Khúc lượn' mới của hành trình gập ghềnh Brexit

Hành trình ghập ghềnh của Anh rời EU đã rẽ sang một “khúc lượn” mới vào ngày 26/2 khi Thủ tướng Theresa May trao quyền “cầm lái” cho quốc hội, để ngăn chặn và đảo ngược Brexit không thỏa thuận.
'Khúc lượn' mới của hành trình gập ghềnh Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May (phía trước) tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 13/2/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo AP/AFP, hành trình ghập ghềnh của Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã rẽ sang một “khúc lượn” mới vào ngày 26/2 khi Thủ tướng Theresa May trao quyền “cầm lái” cho quốc hội, trao cho các nghị sỹ quyền “cầm cân nảy mực” để ngăn chặn và đảo ngược tình thế Anh rời EU (Brexit) không thỏa thuận, điều có thể làm chao đảo và gây hỗn loạn cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh.

Trước sức ép trong chính quyền nhằm đảo ngược tình thế Brexit “không thỏa thuận,” May đã nói với giới lập pháp rằng bà sẽ trao cho họ 3 lựa chọn: Thông qua thỏa thuận “ly hôn” mà bà đã ký với EU, bỏ phiếu rời khối vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận hoặc đề nghị EU trì hoãn Brexit trong thời gian 3 tháng.

Đây là lần đầu tiên bà thừa nhận Anh có thể không rời EU vào ngày 29/3, thời điểm được ấn định 2 năm trước đây và được nêu rõ trong luật pháp Anh là ngày nước này rời khối.

Đến thời điểm này, Chính quyền May vẫn chưa thể có được “cái gật đầu” của quốc hội cho thỏa thuận rời EU đối với các điều khoản “ly hôn” và mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Mối lo ngại về nguy cơ Brexit “cứng” ngày càng gia tăng khi mà một Brexit không thỏa thuận sẽ làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân ở cả Anh và 27 nước EU còn lại.

Bà May cam kết sẽ có cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sửa đổi tại Hạ viện vào ngày 12/3 tới. Nếu thỏa thuận này không được thông qua, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13/3 để các nhà lập pháp quyết định liệu có chấp thuận một kịch bản "Brexit cứng" hay không.

[Trì hoãn việc Anh rời EU: Sự 'ngán ngẩm' mang tên Brexit]

Nếu tiếp tục phủ quyết, họ sẽ bỏ phiếu về việc liệu có trì hoãn tiến trình Brexit hay không.

AP nhận định rằng do đa số nghị sĩ phản đối phương án “Brexit cứng” nên quốc hội sẽ thiên về sự lựa chọn giữa việc ủng hộ thỏa thuận của May và trì hoãn quá trình Anh rời EU.

Bà May cho biết mục tiêu của bà vẫn là dẫn dắt Anh rời EU đúng lịch trình và với một thỏa thuận. “Tôi không muốn kéo dài tiến trình và bất kỳ sự trì hoãn nào cũng cần phải diễn ra trong thời gian ngắn nhất có thể”, nữ lãnh đạo này khẳng định.

Tuy nhiên, tuyên bố này lại chọc giận giới nghị sĩ ủng hộ Brexit. Nghị sĩ đảng Bảo thủ đứng đầu trong số ủng hộ Brexit, Jacob Rees-Mogg tỏ ra hoài nghi, cho rằng bất kỳ sự trì hoãn nào là mưu đồ ngừng tiến trình Brexit.

Trong khi đó, giới chính trị gia ủng hộ EU lại cho rằng động thái của May chưa đủ cứng rắn.

Nghị sỹ đảng Bảo thủ phản đối Brexit, Dominic Grieve, cho rằng việc kéo dài tạm thời tiến trình Brexit không đồng nghĩa với một khả năng Brexit cứng, mà chỉ là nhằm cứu vãn tình hình trong một vài tuần.

Bước đi nhượng bộ của May trước quốc hội diễn ra sau khi một số thành viên chính phủ ngăn cản Thủ tướng đưa Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Ba bộ trưởng Anh có kế hoạch tiến hành cuộc bỏ phiếu với các nghị sỹ đối lập để ngăn chặn “Brexit cứng” nếu bà May không nhất trí trì hoãn tiến trình này và vẫn đảm bảo thời hạn chót 29/3.

Việc trì hoãn Brexit sẽ cần sự thông qua của 27 nước thành viên còn lại của EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 25/2 nói rằng các thành viên còn lại sẽ “tỏ rõ sự thông hiểu và thiện chí tối đa” đối với yêu cầu trì hoãn tiến trình này.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo EU cho rằng London cần đưa ra lý do chính đáng cho sự trì hoãn này.

Mặc dù tuyên bố trên của Thủ tướng May đã phần nào làm giới kinh doanh thở phào nhẹ nhõm song chính trường Anh vẫn bế tắc về Brexit với việc đảng Bảo thủ của May và Công đảng đối lập chia rẽ sâu sắc về liệu có nên rời khối hay không và dựa theo những điều kiện nào.

Nghị sỹ đảng Bảo thủ ủng hộ EU Ken Clarke cho rằng trì hoãn Brexit sẽ không phá vỡ được thế bế tắc mà tình trạng chia rẽ hiện nay vẫn tiếp diễn với sự hoảng loạn về tương lai của đất nước.

Hạ viện báo bỏ thỏa thuận Brexit của May hồi tháng trước thì quan ngại về đường biên giới mở giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland, thành viên của EU và đã yêu cầu bà May phải quay lại Brussels để thương lượng nhằm đạt được những thay đổi cho vấn đề đường biên giới.

Còn EU khẳng định thỏa thuận Brexit mang tính pháp lý mà May đã ký với Brussels không thể thay đổi.

Trong khi đó, đông đảo nghị sỹ Anh ở cả hai đảng đều cho rằng giải pháp duy nhất thoát khỏi tình trạng bế tắc này là tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit.

Hãng tin AFP dẫn lời giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo Công đảng vốn hoài nghi châu Âu lâu nay Jeremy Corbyn có thể hy vọng rằng sự hậu thuẫn thận trọng của ông đối với cuộc trưng cầu dân ý lần 2 không bao giờ bị thử thách.

Sự thay đổi quan điểm này của Corbyn diễn ra sau khi 9 nghị sĩ Công đảng đã rời khỏi đảng này nhằm phản đối Corbyn, cho rằng ông đã ủng hộ và tiếp tay cho "Brexit cứng."

8 người trong số này muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Corbyn tuyên bố ông sẽ đề nghị quốc hội bỏ phiếu về việc tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 nếu kế hoạch Brexit của Công đảng bị bác bỏ.

“Đối với cá nhân ông ta, điều này giống như một sự thay đổi đảo ngược,” Steven Fielding, Giáo sư về lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham nhận định.

Năm 2018, Corbyn liên tiếp bác đối những nỗ lực tiến hành trưng cầu dân ý lần 2. Việc nghị sỹ Công đảng rời bỏ đảng này dường như đã tạo động lực để Corbyn theo đuổi hy vọng trưng cầu dân ý lần 2, Oliver Patel, Quản lý Viện châu Âu UCL giải thích với AFP.

Thế nhưng, trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit lại không phải là điều mà nữ thủ tướng mong muốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục