Khúc dạo đầu của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu

Quyết định của Tổng thống Mỹ đánh thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu từ EU và các nước đối tác khu vực Hiệp định tự do Bắc Mỹ làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột thương mại quy mô lớn.
Khúc dạo đầu của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu ảnh 1Nhà máy sản xuất nhôm cuộn ở Biesheim, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và các nước đối tác khu vực Hiệp định tự do Bắc Mỹ làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột thương mại trên quy mô lớn.

Hành động bảo hộ thương mại sẽ càng đẩy những mâu thuẫn hiện hữu về chính trị và ngoại giao thêm trầm trọng.

Tổng thống Mỹ đã chính thức tuyên bố áp các mức thuế mới, 10% với nhôm và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico kể từ ngày 1/6, sau hai tháng tạm miễn.

Ngay sau thông báo của phía Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tuyên bố rằng quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa. Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom cũng cho biết EU sẽ kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau hành động trên của phía Mỹ.

Quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu do Tổng thống Trump đưa ra được cho là bước đi mới trong nỗ lực bảo hộ nền sản xuất nội địa của chính quyền Mỹ.

Và nó cũng là nguy cơ thổi bùng lên cuộc chiến thương mại mới trên toàn cầu, có thể gây ra những "rối loạn nghiêm trọng" cho thị trường thế giới và đe dọa đặt dấu chấm hết cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc của WTO khiến nhiều nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề.

Thiệt hại

Đối với nước Mỹ, cựu quan chức Phòng Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asia Society, bà Wendy Cutler, cho rằng mức thuế mới có nguy cơ làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ và "thổi bay" các lợi ích do những khoản giảm thuế gần đây đem lại.

Bà cho biết những ngành sử dụng nhiều thép như sản xuất ôtô, máy bay hay đóng tàu thuyền... sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn, trong khi người lao động trong nước có nguy cơ bị mất việc làm do chi phí sản xuất gia tăng trong khi doanh thu lại giảm.

Nền kinh tế nước này cũng sẽ phải gánh chịu nhiều tổn hại khi phải đối mặt với các biện pháp trả đũa tương xứng nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ cùng với các vụ khiếu kiện lên WTO do các nước đối tác tiến hành.

Với các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là các nước châu Âu, thiệt hại do chính sách tăng thuế của Mỹ gây ra là không hề nhỏ. Còn EU, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, mức thuế mới sẽ dẫn đến sự suy giảm đột ngột lượng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi khối lượng thép không vào được Mỹ nhiều khả năng sẽ dội ngược lại thị trường nội địa khiến nguồn cung tại lục địa già càng trở nên dư thừa. 

[Mỹ nhất quyết áp thuế nhập khẩu mới đối với nhôm, thép từ EU]

Trên thực tế, châu Âu cực kỳ lo ngại tình trạng nguồn cung thép và nhôm trên lục địa già sẽ càng dư thừa sau các biện pháp bảo hộ của Mỹ. Ngành thép toàn cầu vốn đã khó khăn từ nhiều năm qua bởi tình trạng sản xuất quá mức của Trung Quốc làm cho giá của mặt hàng này giảm trầm trọng trên khắp thế giới.

Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của giá cước vận tải biển kể từ khi cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng làm cho sự cạnh tranh giữa các khu vực sản xuất thép chính trên toàn cầu càng trở nên gay gắt.

Quyết định áp thuế nhôm và thép của Tổng thống Trump được xem là khúc dạo đầu cho một cuộc đàm phán rộng lớn hơn về thương mại. Và nhiều khả năng đó sẽ là cuộc chơi mới trên qui mô toàn cầu do người Mỹ chủ động trong các lĩnh vực mà họ đang bị thâm hụt trong giao thương với phần còn lại của thế giới.  

Một trong các mục đích mà Tổng thống Mỹ nhắm đến khi đưa ra quyết định tăng thuế là cân bằng cán cân thương mại với EU và hồ sơ nhôm và thép chưa phải là vấn đề lớn nhất trong bối cảnh căng thẳng thương mại tổng thể giữa Mỹ và EU đang ngày càng gia tăng.

Năm 2017, châu Âu xuất siêu khoảng 120 tỷ euro sang Mỹ, và khoản thuế nhôm và thép chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể vấn đề gây căng thẳng quan hệ thương mại giữa hai bên.

Giới phân tích kinh tế ước tính các nhà xuất khẩu châu Âu bị nhắm đến bởi các biện pháp mới của Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6 tỷ euro. Các nước EU cũng ít nhiều phản đối trên một mặt trận chung, nhưng về cơ bản chỉ mang tính tượng trưng và chủ yếu nhằm vào một số sản phẩm đặc trưng của Mỹ như rượu whisky hay xe môtô Harley Davidson với giá trị khoảng 3 tỷ euro.

Liên quan tới ngành công nghiệp xe hơi, thặng dư của châu Âu với Mỹ lên tới con số gần 35 tỷ euro. Đức là quốc gia châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi chính sách thuế mới của Mỹ và đang rất lo lắng cho ngành công nghiệp xe hơi của mình do đã nhiều lần bị Tổng thống Mỹ điểm mặt chỉ tên.

Cuộc mặc cả lớn

Cho tới nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU vẫn chưa thực sự bắt đầu. Người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump là ông Barack Obama đã liên tục phàn nàn về tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ trong buôn bán với Đức trong hai nhiệm kỳ của mình, đồng thời đã yêu cầu một chính sách kinh tế cân bằng hơn trong Khu vực đồng euro (Eurozone) khi EU áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng."

Vào thời điểm đó, châu Âu đã hầu như phớt lờ mà không vấp phải sức ép quá lớn từ phía Mỹ. Nhưng hiện nay, đương kim Tổng thống Mỹ là người quyết đoán và thực dụng hơn hẳn người tiền nhiệm trong vấn đề thương mại.

Khúc dạo đầu của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu ảnh 2Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép tại Salzgitter, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

EU giờ đây một mặt phải lo đối phó với một vị Tổng thống Mỹ rất khó đoán định, mặt khác còn phải xem xét điều chỉnh mô hình kinh tế của mình.

Sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra tại Canada, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tán thành thông cáo chung và đe dọa các đồng minh về việc áp thuế nặng thêm. Đặc biệt, ông chủ Nhà Trắng nhắc lại đe dọa tăng thuế nhập khẩu ô tô nước ngoài vào Mỹ, nhất là đối với xe từ châu Âu, một lĩnh vực quan trọng hơn rất nhiều ngành nhôm và thép của châu Âu vừa bị tấn công.

Điều này khiến các nước châu Âu càng cảm thấy cần thiết phải đoàn kết và hành động một cách kiên định để bảo vệ lợi ích của mình.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố EU sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả quyết định áp thuế của Mỹ nhằm vào mặt hàng nhôm và thép. Bà Merkel cũng lấy làm tiếc về việc ông Trump bất ngờ quyết định không tán thành thông cáo chung của G7.

Về phần mình, nước Pháp lên án sự không nhất quán của đoàn đại biểu Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hợp tác quốc tế không chỉ phụ thuộc vào "sự giận dữ" và "một vài câu nói nhỏ nhặt."

Điều trớ trêu là trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, hai bên đã có nhiều động thái hé lộ khả năng tháo gỡ căng thẳng. Mỹ và EU thông báo đã nhất trí sớm đối thoại về vấn đề thương mại. Hai bên cho biết sẽ thiết lập một cơ chế đối thoại thương mại trong vòng 2 tuần tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đưa ra ý tưởng xây dựng một lộ trình giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác trong G7. Lộ trình này được một quan chức mô tả như là một cơ chế "tiếp cận chung và đối thoại."

Trước những hành động vô cùng khó lường của Tổng thống Mỹ, châu Âu đang thấy sự cần thiết phải có một mặt trận thống nhất chống lại các "cuộc tấn công" từ phía Tổng thống Trump, dù đôi lúc lợi ích thương mại giữa các nước EU cũng không đồng nhất.

Hơn lúc nào hết, việc tăng cường chính sách bảo hộ vì lợi ích đơn phương của nước Mỹ bất chấp các qui định của WTO có nguy cơ làm bùng phát một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và châu Âu và thậm chí là cả với phần còn lại của thế giới, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục