Khu vực tư nhân liên tục tăng tỷ trọng trong tổng đầu tư xã hội

Tỷ trọng đầu tư ngoài Nhà nước có xu hướng liên tục tăng từ 38,5% năm 2011 lên hơn 43% năm 2018, tăng gần 5 điểm phần trăm trong tổng đầu tư toàn xã hội.
Tỷ trọng đầu tư tư nhân tăng từ 38,5% năm 2011 lên hơn 43% năm 2018, tăng gần 5 điểm phần trăm trong tổng đầu tư toàn xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

“Đầu tư ngoài Nhà nước (khu vực tư nhân) là động lực cho tăng trưởng và phục hồi trong đầu tư xã hội tại giai đoạn 2011–2018. Nhất là từ năm 2014 khi Chính phủ bắt đầu thực hiện mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh,” Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

[Infographics: Xây dựng nông thôn mới khu vực Miền núi phía Bắc]

Có thể nói, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã khởi đầu quá trình tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công và tiếp sau đó, từ đầu năm 2013 thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo báo cáo của CIEM, đầu tư xã hội suy giảm mạnh trong hai năm 2012–2013 nhưng đã bắt đầu phục hồi từ năm 2014 và liên tục tăng, đạt trên 33,5% trong năm 2018.

Về thành phần kinh tế, đầu tư từ Nhà nước liên tục suy giảm, từ mức 13,5% năm 2012 xuống còn 1,43% năm 2018, trong khi đầu tư ngoài Nhà nước lại tăng tốc từ 6,23% lên mức 13,9% (giai đoạn 2011 – 2015). Đáng nói, các năm 2017 - 2018 tốc độ tăng của khu vực này lên tới 15%, đạt gần gấp đôi so với tốc độ tăng tổng đầu tư xã hội.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Bên cạnh đó, sau khi suy giảm vào các năm 2011 – 2012, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) lấy lại đà tăng từ năm 2013 với tốc độ tăng bình quân 10% (từ năm 2013 – 2018), tuy nhiên về con số cụ thể tốc độ tăng FDI của năm 2018 đã giảm xuống còn khoảng 7% (giảm hơn 5 điểm % so với năm 2017).

Về phần tỷ trọng, đầu tư tư nhân có xu hướng liên tục tăng từ 38,5% năm 2011 lên hơn 43% năm 2018, tăng gần 5 điểm phần trăm trong tổng đầu tư xã hội. Nhưng, tỷ trọng của FDI lại có xu hướng giảm nhẹ từ trung bình hơn 39% (giai đoạn 2011 – 2015) xuống khoảng 35,5% trong (giai đoạn 2016 – 2018). Và, tỷ trọng đầu tư Nhà nước tăng nhẹ từ 22,6% (giai đoạn 2011 – 2015) lên khoảng 23,6% (giai đoạn 2016 – 2018).

Xem cơ cấu phân bố vốn đầu tư theo các ngành kinh tế, tỷ trọng không có sự thay đổi đáng kể,  trong đó hơn 1/4 vốn đầu tư xã hội tập trung vào chế tác, chế tạo và tăng từ 25% (giai đoạn 2011 - 2015) lên 28% (giai đoạn 2016 – 2017).

Nhóm chuyên gia của CIEM lưu ý, “việc dòng vốn đầu tư vào khai khoáng giảm là điều dễ hiểu, nhưng đầu tư trong các lĩnh vực thông tin và truyền thông, tài chính ngân hàng và bảo hiểm giảm xuống thấp là điều đáng phải suy nghĩ, bởi hai ngành nói trên đang là đại diện cho xu thế phát triển công nghệ mới, công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”./.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục