Khu vực tự do đi lại Schengen có nguy cơ chết mòn vì COVID-19

Các điều kiện để đi vào Khu vực tự do đi lại của EU hiện cũng rất khác nhau giữa các quốc gia. Một số quốc gia chỉ cho phép nhập cảnh hạn chế, có quốc gia chỉ cho công dân họ đi vào.
Binh sỹ và cảnh sát Italy làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới với Pháp ở gần Menton, khi Italy quyết định mở cửa lại biên giới với châu Âu trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiềm chế, ngày 3/6//2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng tại châu Âu đã dẫn đến tình trạng không thể tiếp tục việc đi lại tự do của người dân trong khu vực Schengen. Về bản chất, khu vực tự do đi lại đã sụp đổ.

Mùa Xuân năm ngoái, khi các quốc gia nhanh chóng đóng cửa biên giới để ngăn chặn người dân di chuyển qua biên giới mà không phối hợp với các nước láng giềng, chứ chưa nói đến phối hợp với các nước châu Âu khác, điều đó là dễ hiểu. Lúc đó tình hình hoàn toàn bất ngờ và đáng lo sợ.

Nhưng hiện tình trạng này đã diễn ra suốt cả năm qua mà không có gì thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Các quốc gia vẫn đang đưa ra các quyết định riêng chỉ vì lợi ích của chính họ.

[EU tìm kiếm giải pháp phục hồi khu vực Schengen sau dịch COVID-19]

Các quyết định thiếu phối hợp được triển khai rất nhanh chóng, gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều người. Điều này đang giết chết thành tựu vĩ đại nhất của châu Âu - nguyên tắc đi lại tự do trong Schengen.

Nhắc tới Liên minh châu Âu (EU) là nói về việc phối hợp các quyết định quốc gia và về vai trò điều phối của Ủy ban châu Âu.

Nhưng trên thực tế, mọi việc không diễn ra như vậy. Kết quả là châu Âu ngày nay giống như một tấm chăn bông được làm từ các màu sắc và chất liệu khác nhau.

Có những nước đã cấm công dân của các nước EU khác nhập cảnh. Ví dụ, Phần Lan không cho phép cả những người có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính nhập cảnh vào nước này.

Các điều kiện để đi vào Khu vực tự do đi lại của EU hiện cũng rất khác nhau giữa các quốc gia. Một số quốc gia chỉ cho phép nhập cảnh hạn chế, có quốc gia chỉ cho công dân họ đi vào.

Từ nhiều thập kỷ qua, châu Âu chưa từng chứng kiến những luật lệ lộn xộn như vậy.

Người ta không mấy lạc quan về việc Ủy ban châu Âu hoặc Hội đồng châu Âu sẽ có thể hài hòa các quy tắc trong châu Âu nữa.

Mối quan tâm lâu dài là sự không tin tưởng giữa các nước láng giềng, và rộng hơn là giữa các quốc gia thành viên EU, và điều này không thể biến mất nhanh chóng khi dịch bệnh thuyên giảm. Thậy không may, sự ngờ vực này sẽ để lại dấu ấn trong một thời gian dài sau này.

Tóm lại, những hạn chế đi lại ở châu Âu rõ ràng là đã không rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm mùa Xuân 2020 về việc phá vỡ khối Schengen.

Trong một năm, hầu như không có cơ chế nào được đưa ra để tạo cơ sở cho các quốc gia tôn trọng các nước láng giềng của họ và các quốc gia khác bằng cách áp đặt các quy định hạn chế với nhau một cách hài hòa.

Vẫn còn hy vọng rằng tốc độ tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh, virus sẽ bị đẩy lùi, và kết quả là châu Âu có thể quay trở lại thời kỳ trước đại dịch. Mặc dù thiệt hại đã phát sinh ở châu Âu từ sự ngờ vực không thể xóa bỏ trong vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí lâu hơn.

Do đó, điều tối thiểu mà mọi người nên mong đợi từ Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu là có biện pháp để khu vực tự do đi lại của EU không bị sụp đổ hoàn toàn. Rốt cuộc, các nước châu Âu không khác biệt đến mức họ có thể biện minh cho tình trạng lộn xộn hiện tại và tiếp tục gây bất ngờ về các quy định và những yêu cầu mới.

Nếu cứ theo tinh thần phi xây dựng như vậy, khu vực tự do đi lại Schengen không bao giờ có thể thực hiện được ngay từ đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục