Khu vực Trung Đông đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng

Các nhà nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) ngày 26/8 cho biết ít nhất 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng vào năm 2040.
Khu vực Trung Đông đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: reutersmedia)

Các nhà nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) ngày 26/8 cho biết ít nhất 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng vào năm 2040, gần một nửa trong số đó là các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm ở Trung Đông, khu vực có tầng nước mặt rất hạn chế trong khi nhu cầu lại tăng cao.

Qua theo dõi và phân tích dữ liệu liên quan tầng nước mặt (sông, hồ...), nguồn nước ngầm và các biện pháp khử muối nước biển trong giai đoạn từ năm 2010 tới năm 2040 tại 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, các chuyên gia WRI nhận thấy Trung Đông là khu vực đảm bảo an ninh nguồn nước kém nhất trên thế giới, với 13 quốc gia trong khu vực này cùng vùng lãnh thổ Palestine phải đối diện với nguy cơ thiếu nước trầm trọng.

Trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bị thiếu nước thì Trung Đông "đóng góp" tới 8 cái tên, gồm Bahrain, Kuwait, vùng lãnh thổ Palestine, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Israel, Saudi Arabia và Oman.

Theo số liệu thống kê của WRI, hạn hán và thiếu nước đang trở thành một trong những vấn đề làm gia tăng bất ổn xã hội tại đất nước Syria vốn đang chìm trong nội chiến, khi mà hơn 1,5 triệu người - chủ yếu là nông dân - buộc phải di cư từ các khu vực nông thôn lên thành thị do không có đủ việc làm.

Một số quốc gia Trung Đông hiện dựa chủ yếu vào phương pháp khử muối trong nước biển và nước ngầm. Tuy nhiên, những quốc gia đó và một số quốc gia thiếu nước khác có thể sẽ không duy trì được hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm, do không đủ nguồn nước tưới cho nông nghiệp.

WRI dự báo tới năm 2016, người dân Saudi Arabia có thể sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm ngũ cốc nhập khẩu.

Giám đốc Chương trình nguồn nước toàn cầu của WRI, bà Betsy Otto, cùng các đồng nghiệp cho rằng phương pháp phù hợp hơn cả tại Trung Đông và bất kỳ nơi nào trên thế giới có lẽ là hệ thống tái sử dụng nguồn nước bằng cách tái chế nước thải, bởi hệ thống này sẽ không tốn quá nhiều công đoạn để xử lý nước đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, từ đó có thể cung cấp nước sạch tới các hộ gia đình và nhiều khu vực khác.

Thông qua nghiên cứu trên, bên cạnh việc đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu nước trầm trọng trong tương lai, bà Otto cùng các chuyên gia của WRI còn muốn gửi gắm thông điệp rằng chính phủ các nước cần nhận thức được những nguy cơ tiềm tàng về nguồn nước mà quốc gia của họ có thể phải đối mặt, để từ đó đưa ra được những quyết sách phù hợp cho phát triển kinh tế.

Trong khi đó, người dân cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa nguồn nước sẵn có với nhu cầu tiêu thụ, để có thể sử dụng chúng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục