Theo một số thông tin dự báo thời tiết, tuyết có thể sẽ rơi tại một trong số những nơi nóng nhất và khô nhất trên Trái Đất vào cuối tháng này.
Thung lũng Chết, chạy dọc theo một phần ranh giới giữa miền trung bang California với bang Nevada, Mỹ, từ lâu đã thống trị các ngôi vị kỷ lục về nhiệt độ trên toàn cầu.
Khu vực thung lũng với độ sâu 86m so với mực nước biển này thường xuyên bị ánh Mặt Trời thiêu đốt. Không khí nóng ở thung lũng bốc lên sẽ bị các dãy núi cao bao bọc xung quanh giữ lại. Khi nguội đi, phần không khí này rơi trở lại lòng thung lũng, nơi nó tiếp tục bị nén lại và bị hun nóng thêm một lần nữa.
Đó là lý do khiến Thung lũng Chết luôn nóng bức, ngột ngạt, và trở thành nơi nóng nhất trên Trái Đất.
Vào mùa Hè, nhiệt độ khu vực này thường xuyên vượt qua mức 37 độ C, khiến nơi này được Ban Quản lý Công viên Quốc gia Mỹ đặt tên là “vùng đất khắc nghiệt.”
Lần lượt vào các ngày 16/8/2020, và ngày 17/6/2021, nhiệt kế đã nhảy vọt lên 54 độ C trong công viên quốc gia này, thu hút rất đông khách du lịch đến chụp ảnh bên cạnh chiếc nhiệt kế điện tử đặt tại đây.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận nhiệt độ 54 độ C vào năm 2020 là mức nhiệt cao nhất được ghi lại một cách đáng tin cậy từ trước tới nay.
Còn trong quá khứ, vào ngày 10/7/1913, nhiệt kế thủy ngân tại khu vực Furnace Creek ở Thung lũng Chết đã tăng vọt lên mức 56 độ C. Cho đến ngày hôm nay, đây vẫn là mốc nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên Trái Đất. Nhưng thông tin này vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng khí tượng học. Một số người lập luận rằng các thiết bị đo lường vào thời điểm đó không đủ tin cậy để ghi lại nhiệt độ một cách chính xác.
Theo dữ liệu từ NWS, năm 2020 lập kỷ lục về số ngày trên 37 độ C nhiều nhất tại Thung lung Chết với 169 ngày. Năm 2021 ghi nhận số ngày trên 51 độ C nhiều nhất, với 11 ngày.
Nhiệt độ đã lên tới gần 54 độ ở Thung lũng Chết vào mùa Hè năm 2023 và các chuyên gia cảnh báo khí hậu có thể sẽ ngày một nóng hơn.
Với nền nhiệt cao như vậy, những ngọn núi xung quanh khu vực Thung lũng Chết đôi lúc có thể hứng một lượng tuyết mỏng, tuy nhiên việc tuyết rơi ở Thung lũng Chết là cực kỳ hiếm.
Theo NWS, lần duy nhất tuyết rơi đủ dầy để có thể đo được là khoảng 100 năm trước, với một lượng tuyết dày nửa inch (1,27cm). Kể từ đó, chỉ có một vài lần nơi nay ghi nhận có tuyết rơi, gần đây nhất là vào ngày 5/1/1974.
Tuy nhiên, theo dự báo trên WXCharts, một trang web dữ liệu chuyên theo dõi và dự báo các mô hình thời tiết khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, vào ngày 17-18/1, Thung lũng Chết có thể sẽ đón một lượng tuyết rơi dày kỷ lục lên tới 10cm.
Nếu dự báo này là đúng, thì đây không phải là hiện tượng thời tiết bất thường đầu tiên trong những năm gần đây. Vào ngày 20/8 năm ngoái, cơn bão nhiệt đỡi Hilary đã tràn qua thung lũng gây mưa lớn, làm hư hại đường đi và khiến toàn bộ công viên phải đóng cửa. Theo NWS, lượng mưa đo được vào ngày hôm đó là 5,5cm tại máy đo chính thức gần khu vực Furnace Creek.
Chỉ quét qua công viên trong vòng một ngày, cơn bão này đã gây ra một trận lũ quét khiến hàng trăm du khách bị mắc kẹt. Thông thường, Thung lũng Chết đón 1 triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.
Trung bình hàng năm, lượng mưa rơi xuống Thung lũng Chết chưa tới 51mm, khiến thực vật và động vật sống tại đây luôn phải chịu tình trạng khô hạn.
Khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên trên toàn cầu, lượng mưa trong khu vực có thể thay đổi, và các loài động vật đang sinh sống trong Thung lũng Chết có thể sẽ buộc phải tìm một môi trường sống mới hoặc sẽ đối mặt với tình trạng tuyệt chủng.
Một nghiên cứu tiến hành năm 2019 của Đại học California, Berkeley cho thấy khoảng 1/3 số loài chim ở Thung lũng Chết đã suy giảm số lượng so với thế kỷ trước.
Để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, NPS đang cố gắng tìm các giải pháp xanh cho Thung lũng Chết, được đưa ra trong bản “Kế hoạch hành động về khí hậu” dài 20 trang, bao gồm các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà trên khắp khu vực Công viên Quốc gia này, cũng như tìm biện pháp giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông./.