Trong những năm quan, tỉnh Lào Cai đã tranh thủ thời cơ, phát huy địa lợi của địa phương để phát triển Khu kinh tế tỉnh Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương năng động, từng bước hình thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các nước ASEAN thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) và Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam).
Động lực cho xuất nhập khẩu
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xây dựng từ năm 2001 theo Quyết định số 100/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh mở rộng theo Quyết định 1627/QĐ-TTg ngày 23/11/2018. Trải qua hơn 20 năm xây dựng, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, cửa ngõ thông thương kinh tế của Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết giai đoạn 2001-2021, tỉnh Lào Cai đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu. Việc tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng, phục vụ tốt hơn nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Kinh tế cửa khẩu đang trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh biên giới Lào Cai.
Giai đoạn 2001-2021, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng bình quân trên 15%/năm. Năm 2001, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai chỉ đứng ở con số khiêm tốn 210 triệu USD, đến năm 2011, Lào Cai đã trở thành cửa khẩu “USD,” đạt trên 1,66 tỷ USD, tăng gấp 7,9 lần so với năm 2001.
Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai vẫn đạt kết quả ấn tượng với con số 3,23 tỷ USD, tăng gấp 15,38 lần so với năm đầu tiên đi vào hoạt động.
[Xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Lào Cai vẫn gặp khó khăn]
Đến năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu tại đây vẫn đạt được 3,5 tỷ USD, gần bằng kết quả đạt được thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh COVID-19 (năm 2019).
Đặc biệt, nếu như trước kia, xuất nhập khẩu qua các lối mở, cửa khẩu phụ tại Lào Cai chiếm tỷ trọng rất lớn, nay lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch đang tăng đột biến, chiếm tỷ trọng trên 80% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu. Một tín hiệu đáng mừng nữa là mặc dù trong 2 năm 2020-2021, kinh tế cửa khẩu chịu tác động rất tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng cửa khẩu Lào Cai tiếp tục là một trong số ít các cửa khẩu của Việt Nam có tỷ lệ xuất siêu ấn tượng.
Các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường Vân Nam (Trung Quốc), cùng với sự linh hoạt, sáng tạo, áp dụng nhiều cơ chế thông thoáng, thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lào Cai nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước đã lựa chọn cửa khẩu Lào Cai làm nơi xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hình thành khu kinh tế đa ngành
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết với những cơ chế, chính sách ưu đãi trong xây dựng, vận hành, đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đang là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam-Trung Quốc, là một cực tăng trưởng-trung tâm kết nối của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ với cả nước. Không chỉ là điểm sáng về xuất nhập khẩu, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai giờ đây đang là khu vực năng động với sự phát triển đa lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu cũng đang được đầu tư đồng bộ.
Sau 3 lần quy hoạch mở rộng, đến nay Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có diện tích gần 16.000ha. Kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu đang tiếp tục được bổ sung, hình thành thêm hệ thống logistics, các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu vực chức năng khác, hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai-Hà Khẩu…, tạo thành vùng kinh tế động lực, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Xác định lợi thế khi phát triển Khu kinh tế cửa khẩu trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Lào Cai luôn đặt mục tiêu lấy kinh tế thương mại qua cửa khẩu biên giới là nòng cốt, xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, động lực để phát triển kinh tế địa phương…
Đặc biệt, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục lựa chọn Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu chức năng với diện tích khoảng 1.400 ha. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ gồm 5 chức năng: Khu cửa khẩu quốc tế Kim Thành; Khu dịch vụ hậu cần Logistic; Khu phức hợp vui chơi giải trí và sân gofl huyện Bát Xát; khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu Bản Qua và Khu cửa khẩu Bản Vược.
Đến cuối năm 2021, trong khu kinh tế cửa khẩu đã có 242 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng. Trong số đó, có những dự án lớn như Nhà máy Luyện đồng Bản Qua công suất 20.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; các dự án Logistics, kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng... Hiện nay, thường xuyên có gần 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển giao lưu kinh tế qua biên giới và tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai đang chủ động xây dựng chiến lược phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu của tỉnh là vùng kinh tế động lực chủ đạo của địa phương và là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai cũng đang ưu tiên xây dựng mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp. Thiết lập vùng “xanh” xuất nhập khẩu hàng hóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tỉnh phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng cơ chế phòng chống dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh hơn; hợp tác với phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu biên giới tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới.
Dự kiến đến năm 2030, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai đạt 15 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 50 tỷ USD. Đặc biệt trong giai đoạn mới, tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục ưu tiên phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai theo hướng đề cao thương mại, dịch vụ.
Cùng với Cao tốc Hà Nội-Lào Cai là trục kết nối sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng Cảng hàng không Sa Pa tạo lực đẩy phát triển khu kinh tế tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam-Trung Quốc./.