Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết thị trường giá cả trước, trong và sau Tết Ất Mùi năm 2015 cơ bản bình ổn, thị trường hàng hóa sôi động hơn các tháng bình thường nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.
Một số nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản), hàng công nghệ (bia, nước giải khát...) tăng nhẹ vào một số thời gian cao điểm những ngày mùng 2 đến ngày mùng 5 Âm lịch theo quy luật Tết hàng năm.
Trên địa bàn cả nước, không địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.
Thị trường ổn định
Theo đánh giá của Cục quản lý giá, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn trong tháng Một và nửa đầu tháng Hai so với các tháng bình thường, nhất là thời cận Tết; sau nghỉ Tết, từ mùng 4 Tết, thị trường đã hoạt động trở lại bình thường.
Sau khi nghỉ Tết ngày Mùng 1, ngày Mùng 2,3 Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước (hệ thống Coopmart, Fivimart, Big C...), hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu bán hàng; từ ngày mồng 4,5 Tết trở đi, hầu hết hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ dân sinh đã bán hàng như trước.
Về giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao như: trông giữ ôtô xe máy (tại các đền, chùa) tăng từ 20-50%, ăn uống ngoài gia đình tăng từ 25- 50% so ngày thường.
Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường.
Cục quản lý giá cũng cho biết, các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, khu công nghiệp chế xuất, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, để giảm bớt áp lực về cầu trong những ngày cận Tết và tâm lý tích trữ hàng hoá, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa đã mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày cận Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và mở cửa lại sớm sau Tết, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, với số lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định đã có tác dụng bình ổn thị trường trong dịp Tết và trong những tháng đầu năm.
Công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa, dịch vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhân dân đón Tết Ất Mùi 2015 được các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết được các doanh nghiệp vận tải chủ động đáp ứng đầy đủ thông qua việc huy động tăng thêm đầu phương tiện, tăng chuyến, mở thêm tuyến đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong những giáp Tết của người dân, đồng thời một số đơn vị, tổ chức có kế hoạch tổ chức đưa đón công nhân, sinh viên về quê đón Tết.
Các hàng hóa thiết yếu cho đời sống như điện, nước sạch sinh hoạt, xăng dầu… được các ngành chủ quản chỉ đạo cung cấp đầy đủ, ổn định phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết.
Giá cả hợp lý
Theo Cục quản lý giá, nửa đầu tháng Hai, tại nhiều địa phương, đa số các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhìn chung giữ ở mức ổn định, riêng giá gia cầm và một số loại hoa quả, mặt hàng bia, rượu và nước giải khát, LPG tăng nhẹ tại một số thời điểm. Giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu, thép xây dựng giảm.
Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản như nước sạch, điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện, dịch vụ công… tiếp tục giữ ổn định trong tháng Tết.
Giá thóc, gạo tẻ thường tiếp tục ổn định tại miền Bắc. Trong đó, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, một số loại thóc chất lượng cao hơn giá phổ biến ở mức 7.500-8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000-13.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu tháng 2/2015 giảm so với tháng 1/2015. Giá lúa dao động ở mức 4.900-5.300 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá trong khoảng 7.200-7.500 đồng/kg, giảm khoảng 350 đồng/kg; loại 25% tấm giá ở mức 6.700-6.900 đồng/kg, giảm khoảng 150-400 đồng/kg.
Nhu cầu thị trường thấp đã tác động giá gạo thị trường thế giới và giá lúa gạo trong nước tiếp tục giảm.
Thực phẩm tươi sống, mặc dù là thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng do nguồn cung khá dồi dào, giá xăng dầu, cước vận tải giảm nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống 15 ngày đầu tháng Hai tương đối ổn định.
Thịt lợn hơi tại Miền Bắc giá phổ biến khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 45.000-48.000 đồng/kg. Thịt bò thăn tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 250.000-260.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg; giá một số loại rau, củ, quả như bắp cải, khoai tây, cà chua; thủy hải sản như cá chép, tôm, mực ống… ổn định.
Riêng giá thịt gia cầm tăng nhẹ, thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch tăng khoảng 5.000 đồng/kg, tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 120.000-130.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 110.000-120.000 đồng/kg.
Giá một số loại hoa quả tăng nhẹ khoảng 5-10% do nhu cầu tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán tăng. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá và thấp hơn giá thị trường khoảng 5-10%.
Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cam kết không tăng giá Tết và còn thực hiện các chương trình giảm giá cho nhiều loại hàng hóa như dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ, quả, nước giải khát, đồ dùng gia đình… trong những ngày cận Tết.
Cước vận tải đường bộ, tính đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của các địa phương về tình hình quản lý giá cước vận tải, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92-32%, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-25% so với lần kê khai liền kề tuỳ từng thời điểm.
Giá vé Tết Nguyên đán năm 2015 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm trung bình từ 17-20% so với Tết Nguyên đán năm 2014.
Cục quản lý giá nhận định, cung-cầu thị trường thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đảm bảo, giá cả biến động theo quy luật thông thường, không tăng đột biến, không xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá.
Xu hướng tăng sau Tết
Theo Cục quản lý giá, sau Tết là thời điểm của Lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình có khả năng sẽ có xu hướng tăng.
Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng Hai và tháng 3/2015, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra thiếu hàng sốt giá, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là phí tham quan, du lịch, phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).
Đồng thời, tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải (như tăng thêm đầu phương tiện, tăng thời gian quay vòng...) để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (điện, than, xăng dầu, dịch vụ công...) theo cơ chế thị trường với lộ trình, mức độ, thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường trong quý 1/2015./.