"Không vì lợi trước mắt mà mạo hiểm sử dụng đồng nhân dân tệ"

"Không vì lợi trước mắt mà mạo hiểm sử dụng đồng nhân dân tệ." Đó là quan điểm của một trong những doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu từ các đối tác Trung Quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Gần đây, giới doanh nghiệp trong nước hết sức quan tâm tới việc Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thanh toán đồng nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam, (theo Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ từ Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam-VCCI).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu và có giao dịch với các đối tác đến từ Trung Quốc đều cho biết, do đồng nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi nên phần lớn các hợp đồng thương mại giữa hai bên vẫn sử dụng bằng USD.

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, từ trước đến nay hầu hết các hợp đồng thương mại quốc tế đều được các thành viên Hiệp hội giao dịch bằng USD.

“Tôi chưa nhận được các ý kiến phàn nàn về sự bất lợi trong việc sử dụng USD khi thực các hợp đồng thương mại. Hơn nữa, ngành dệt may có nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị thì cũng sử dụng hầu hết cho hoạt động xuất khẩu, vì vậy cả đầu vào và đầu ra chủ yếu đều giao dịch bằng USD là hợp lý.”

Theo bà Dung, những trường hợp doanh nghiệp mong muốn sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại thường thuộc về các công ty mẹ và con. Việc này vẫn có thể thực hiện thông qua các thỏa thuận cụ thể trên hợp đồng thương mại, theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng “mặc dù vậy, việc sử dụng linh hoạt đồng nhân dân tệ hoặc USD cũng có những thuận lợi trong các trường hợp có biến động chênh lệch về tỷ giá, song những biến động về tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ, VND so với USD cũng không dễ dàng dự đoán và dễ kiểm soát, để giải được bài toán kinh doanh chuyển đổi tỷ giá tiền tệ hoàn toàn không đơn giản, trong khi hoạt động chính của doanh nghiệp trong ngành là kinh doanh sản xuất.

Do đó, theo bà Dung, "trên thực tế không có nhiều đơn vị quá bận tâm đến việc giao dịch thương mại với đối tác Trung Quốc là phải dùng đồng nhân dân tệ.”

Đồng tình với những đánh giá trên, một phó tổng giám đốc công ty kinh doanh và sản xuất nhựa và hóa chất TPC cho biết, công ty của ông thường xuyên có những hoạt động nhập khẩu nguyên liệu với các đối tác từ Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đồng thời các sản phẩm nhựa do công ty sản xuất ra lại cạnh tranh ngay với những sản phẩm của Trung Quốc bán trên thị trường Việt Nam.

“Theo kinh nghiệm cá nhân, đối tác Trung Quốc họ rất linh hoạt và có nhiều kỹ thuật trong giao dịch thương mại. Do đó, để an toàn và hạn chế các rủi ro về tỷ giá ngoại hối, chúng tôi không thể vì những cái lợi trước mắt mà mạo hiểm sử dụng đồng nhân dân tệ trong các hợp đồng thương mại, thay vào đó chỉ dùng USD, đồng tiền chuyển đổi có tính phổ biến,” vị phó tổng giám đốc trên chia sẻ.

Dưới góc độ kỹ thuật, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, về nguyên tắc trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được phép dùng VND. Đối với các doanh nghiệp tùy theo điều kiện hợp đồng, doanh nghiệp thực hiện giao dịch ngoại tệ thông qua các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

Thậm chí bà Lan cho rằng, khi phía Trung Quốc cho biết nhu cầu giao dịch thanh toán bằng nhân dân tệ tại Việt Nam trên thị trường biên mậu Việt-Trung vào cuối năm 2013 ước tính tương đương khoảng 15 tỷ USD, thì cần phải xem xét lại, bởi việc sử dụng quá nhiều đồng nhân dân tệ ở khu vực biên giới như trên là vi phạm quy định về pháp luật của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, với động thái trên từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc cũng như những “con số” mà phía nước bạn đưa ra, đây cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác giám sát hoạt động thương mại ngoại hối khu vực vùng biên đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần phải có một chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục