Không thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính xâm phạm sở hữu trí tuệ

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục trình Quốc hội vào kỳ tới theo hướng không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vào chiều 26/10. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vào chiều 26/10. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho ý kiến nhất trí giữ nguyên quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nhiều lần để đảm bảo tính răn đe và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài phạt hành chính có thể tăng nặng mức độ xử lý

Thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào chiều 26/10, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), nếu không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà xử lý bằng biện pháp dân sự sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, đại biểu Huy cũng cảnh báo việc này đi kèm với nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để duy trì trật tự công.

[Tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo]

“Việc giải quyết vi phạm theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém hơn chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh,” đại biểu Huy nhìn nhận.

Từ đó, vị đại biểu đoàn Thái Bình kiến nghị nên giữ như quy định hiện hành đó là áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bởi các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chịu các chi phí lớn hơn (về tài chính và thời gian) khi yêu cầu thực thi quyền, vì thông thường chi phí tố tụng dân sự (án phí, chi phí luật sư,...) thường cao hơn so với chi phí để thực thi quyền bằng biện pháp hành chính (phần lớn chi phí trong thực thi quyền bằng biện pháp hành chính đã được Nhà nước chi trả).

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) cho biết áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì vừa giải quyết quyền này được ngay các hành vi vi phạm đồng thời cũng là tiền đề truy cứu trách nhiệm hình sự và không làm triệt tiêu quyền dân sự.

Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho rằng khi tổ chức chủ trì có quyền sở hữu trí tuệ sẽ thỏa mãn mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo và góp phần "cởi trói," đưa các nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn.

Cần có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ

Có cách tiếp cận khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cũng kiến nghị có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nhiều lần để đảm bảo tính răn đe và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Không thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính xâm phạm sở hữu trí tuệ ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đưa dẫn chứng các nước trên thế giới đều xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Với các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự vì có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, trong khi nước ta chưa có và các thẩm phán có rất ít người chuyên sâu về lĩnh vực này.

“Năm 2020, nước ta có 1.700 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thời gian trung bình của tòa Việt Nam xử lý vụ án theo Luật Dân sự là 30-36 ngày, nếu không áp dụng biện pháp tòa chuyên trách sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ,” vị đại biểu đoàn Gia Lai kiến nghị.

[Chủ tịch Quốc hội: 'Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ']

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết đa số các ý kiến của đại biểu tán thành phương án về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

“Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu để làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích Nhà nước-cơ quan chủ trì-tác giả để cân bằng lợi ích của 3 chủ thể, trong đó giao quyền sở hữu cho cơ quan chủ trì,” Bộ trưởng Đạt nói.

Đối với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thời gian tới sẽ trình tới Quốc hội theo hướng “không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục