Không thỏa hiệp với Trung Quốc - Cách tốt nhất đối với Mỹ?

Phó Tổng thống Pence cho rằng “nếu Trung Quốc muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với Mỹ và các đối tác của Mỹ thì nước này phải thay đổi căn bản cách cư xử của mình."
(Nguồn: Sputnik)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên chiếc Không lực 2 ngày 13/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và ra sức bảo vệ chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Để làm như vậy, ông đã bám vào một quan điểm vốn không còn được nghe nói đến kể từ sau thời hậu Eisenhower ở Washington.

Theo tờ Bưu điện Washington, Phó Tổng thống Pence cho rằng “nếu Trung Quốc muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với Mỹ và các đối tác của Mỹ thì nước này phải thay đổi căn bản cách cư xử của mình."

Hầu như không ai nghĩ rằng Bắc Kinh, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ sẵn sàng làm điều mà ông Pence nói (thay đổi căn bản cách hành xử), nhất là trong thời điểm hiện nay. Chủ nghĩa bi quan, tất nhiên, đang khiến các nhà quan sát nổi tiếng của Mỹ cảm thấy lo lắng.

Lấy ví dụ về Hank Paulson chẳng hạn. Trong bài viết đăng trên Diễn đàn Kinh tế Mới của hãng tin Bloomberg ở Singapore ngày 7/11, cựu Bộ trưởng Tài chính đời thứ 74 của nước Mỹ đã cảnh báo về một “Bức màn sắt kinh tế” bao trùm thế giới khi các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc tiếp tục một tiến trình “chia cắt.” Và sự chia cắt này sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

“Đơn giản, tôi không thể hiểu nổi hệ thống quốc tế có thể chịu đựng ra sao khi hai quốc gia vốn chiếm khoảng 40% GDP và hơn 50% tăng trưởng toàn cầu đang có những mối bất hòa sâu sắc, cố gắng không hòa nhập nền kinh tế của họ và tranh cãi về các nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật lệ... Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể tìm cách thúc đẩy sự đồng thuận, nó sẽ tạo ra một rủi ro lớn mang tính hệ thống - không chỉ cho nền kinh tế toàn cầu mà còn cho trật tự quốc tế và hòa bình của thế giới.” ông Paulson nói.

Ông Paulson cũng gợi ý cho chính quyền Trump: “Hãy thương lượng với Trung Quốc." Thoạt nhìn, thỏa hiệp dường như là có thể. Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn gần đây đã ám chỉ rằng họ muốn nói chuyện với người Mỹ và Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh về một “nền kinh tế thế giới mở.”

[Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến xấu hơn]

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn có thực sự muốn như vậy? “Thật không may, chúng ta đã nghe thấy điều đó từ Bắc Kinh hàng trăm lần rồi”, ông Dan DiMicco - cố vấn thương mại của Trump - đã viết như vậy trên trang mạng MarketWatch hồi tuần trước, “và không có gì thay đổi cả.”

Tiêu đề bài viết của ông: “Trung Quốc luôn hứa ngừng gian lận thương mại, nhưng chẳng bao giờ thực hiện." Bắc Kinh không thể giữ lời hứa về thương mại trong những ngày này.

Tuy nhiên, có nhiều lý do tại sao các cuộc thảo luận, bất kể chúng quan trọng đến mức độ nào, sẽ không hiệu quả. Nhà lãnh đạo Trung Quốc, người rõ ràng tin vào khả năng thống trị nền kinh tế và các thị trường, sẽ không mặc cả bất kỳ thành phần nào có trong tầm nhìn quan trọng của ông về “Giấc mơ Trung Hoa."

Ông Pence đã đưa ra một quan điểm cứng rắn khi nói rằng Trung Quốc phải gỡ bỏ hệ thống chính trị và kinh tế của nước này.

"Chủ nghĩa độc đoán và sự hung hăng không có chỗ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," ông đã tuyên bố như vậy ở Tokyo. Quan điểm không thỏa hiệp của ông Pence có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin về sự nghiêm túc trong cách giải quyết của Mỹ.

Một hướng đi như vậy vốn chi phối cách suy nghĩ của Mỹ từ thời Nixon cho đến nay sẽ khiến nhiều người, bao gồm cả Paulson, cảm thấy không hài lòng, nhưng nó có thể khiến người Trung Quốc phải e ngại. Vì thế vào thời điểm này, không thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ là cách tốt nhất đối với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục