Tại Đối thoại ASEAN về luật pháp quốc tế: Tăng cường các quy định của pháp luật trong khu vực đối với luật quốc tế về biển, được tổ chức ngày 17/3, tại Jakarta, Indonesia, nhiều ý kiến nhất trí rằng Biển Đông là vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và mối quan hệ giữa nhiều quốc gia.
Chính vì vậy, ASEAN đóng vai trò không thể xem nhẹ trong những diễn biến của tình hình khu vực Biển Đông, trong đó có các vấn đề như giải quyết xung đột, tội phạm hàng hải xuyên quốc gia, an ninh tài nguyên biển, an ninh môi trường hàng hải trong khu vực…
Phát biểu tại diễn đàn, giáo sư, tiến sỹ Robert Beckman - Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định trước hết cần phải dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, dựa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sắp tới cần phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông dựa trên các cơ sở pháp lý.
Ông cũng đánh giá đây là một giải pháp lâu dài và sẽ gặp rất nhiều cản trở, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan.
Các đại biểu nhất trí biển là nguồn lợi lớn về kinh tế, góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia, nhưng cũng là một thách thức đối với an ninh của các quốc gia Đông Nam Á.
Nhiều đại biểu cho rằng quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, cũng như việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển trong khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ cũng như theo đuổi các quyền lợi. Hợp tác quốc tế là một tính năng thiết yếu của xu thế phát triển hiện đại.
Ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia, nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, để chia sẻ lợi ích cùng nhau hơn là đi ngược lại luật để gây ra những tranh chấp, ảnh hưởng môi trường an ninh của khu vực cũng như ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung. Thương mại hàng hải ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hợp tác hàng hải phải được coi là một khía cạnh tự nhiên mang tính trách nhiệm của các quốc gia liên quan.
Tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết khi các nước ngồi lại với nhau sẽ bàn các biện pháp hợp tác, tháo gỡ các tranh chấp, đây là yếu tố thúc đẩy hợp tác và thúc đẩy hòa bình.
Tuy nhiên, nguy cơ căng thẳng vẫn có thể xảy ra vì có nước chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đem lại hòa bình ổn định trong khu vực. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ thì không chỉ ở khu vực này mà ở nhiều khu vực khác cũng vậy.
UNCLOS 1982 đã yêu cầu, khuyến khích các quốc gia sử dụng các kênh khác nhau, từ song phương, khu vực, quốc tế. Song phương là kênh quan trọng, nhưng khi kênh này không đem lại kết quả thì các nước có quyền sử dụng các kênh khác nhau để đảm bảo lợi ích của mình.
Đối thoại gồm 3 phiên với các nội dung chính gồm: Sự phát triển của luật hàng hải và trật tự hợp tác trong ASEAN; Giải pháp cho các vấn đề về trật tự hàng hải như giải quyết xung đột, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh tài nguyên biển, an ninh hàng hải trong khu vực ASEAN; UNCLOS 1982 và ý nghĩa của nó.
Sự kiện do Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia quốc tế về Luật Biển, về Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, các học giả và giới nghiên cứu cùng hơn 20 Đại sứ và đại diện Phái đoàn thường trực các nước tại ASEAN./.