“Hiện nay, đối với các di tích lịch sử, văn hóa, chúng ta chưa thống nhất được việc quản lý về mặt hành chính, địa bàn với quản lý về mặt chuyên môn. Việc phân cấp quản lý về mặt hành chính, ban quản lý di tích trực thuộc các cấp tỉnh, huyện… khiến cho việc can thiệp về mặt chuyên môn trở nên rất khó khăn. Cùng với đó, kiến thức chuyên môn của chính những người làm công tác quản lý di tích ở các địa phương cũng bộc lộ nhiều hạn chế.” Đây là ý kiến của Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích” (tại ba điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng nay, 11/6. "Đừng bắt tôi gọi người xa lạ đó là bố" Theo Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu, hiện nay, các địa phương chưa có cơ quan chuyên môn tư vấn các phương án trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử. “Điều này dẫn đến những việc làm gây hậu quả đáng tiếc như vụ việc tự ý sửa chùa Trăm Gian,” nhà khoa học này nhấn mạnh. Hơn nữa, tại nhiều đơn vị, các cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý di tích lịch sử cũng còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn. Dẫn chứng cho vấn đề này tại hội nghị, Giáo sư Trần Lâm Biền cho hay: “Trong quá trình đi thực tế tại khu di tích cố đô Huế, tôi có hỏi một số cán bộ thuộc ban quản lý một vài câu hỏi chuyên môn như ‘các cửu đỉnh quay về hướng nào,’ ‘tại sao lại có những cành khô ở trên các cửu đỉnh mà xung quanh chúng lại là cây lá sum xuê’… thì họ đều không trả lời được.” “Người làm công tác quản lý di sản mà vốn tri thức, hiểu biết về di sản lại quá hạn chế thì không thể tiến hành bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản ấy một cách có hiệu quả được,” Giáo sư Trần Lâm Biền nhận định. “Chúng ta không thể đặt vấn đề tu bổ di tích, di sản văn hóa giống như việc tu bổ nhà cửa bình thường. Việc tu bổ di tích đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, địa lý, kiến trúc… Thực tế, có những di tích trước khi tu sửa tôi gọi là ‘ông bố già.’ Thế nhưng, sau khi tu sửa, tôi không còn nhận ra nữa và tôi than rằng ‘dừng bắt tôi gọi người xa lạ đó là bố’ vì di tích đã mang một diện mạo hoàn toàn khác. Đó không thể gọi là tu bổ, tôn tạo di sản một cách đúng nghĩa,” Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ thêm. Đồng thuận với quan điểm này, Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng: Vấn đề trùng tu di tích, phát huy giá trị di sản là một khoa học, không thể thực hiện một cách tùy tiện. “Chính sự thiếu hiểu biết của những người làm quản lý đã tạo ra câu chuyện huy động hàng nghìn người mặc trang phục liền anh, liền chị cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh; làm hỏng làn điệu của điệu hát này. Chúng ta không thể bảo tồn di sản văn hóa theo hướng xác lập kỷ lục như vậy được,” nhà chuyên môn phân tích. “Nhầm lẫn chữ Hán không phải là hiện tượng cá biệt”Chuyên môn hóa quản lý Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng bày tỏ những khúc mắc trong việc thiếu các văn bản hướng dẫn quản lý di tích, di sản. Đơn cử, bà Nguyễn Thị Vân, trưởng phòng Quản lý Di tích-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, trong hệ thống văn bản hướng dẫn bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa, chúng tôi thấy thiếu hai loại văn bản: Văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình di tích và văn bản hướng dẫn sử dụng tiền công đức.” Tại hội nghị, bà Vân cũng cho biết thêm, mô hình ban quản lý di tích ở Hà Tĩnh hiện nay được phân chia theo ba cấp: Ban quản lý trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý trực thuộc ủy ban nhân dân huyện và Ban quản lý trực thuộc ủy ban nhân dân xã. Đặc biệt, các cán bộ quản lý di tích thuộc ban quản lý cấp xã đều làm việc với vai trò kiêm nhiệm và không có chế độ riêng. “Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng việc quản lý, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa,” bà Vân cho hay. Trước thực tế này, “vấn đề cấp thiết cần làm bây giờ là phải chuyên môn hóa lực lượng quản lý bằng việc: Kết hợp cả hai hình thức quản lý (quản lý về mặt hành chính và quản lý về mặt chuyên môn). Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các tỉnh cần thành lập các hội đồng tư vấn khoa học, tránh những việc làm tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, di sản,” Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu kiến nghị. Cùng với đó, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu quan điểm cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, tu bổ và tôn tạo di tích, di sản. “Các cấp quản lý cần xây dựng cơ chế giám sát song trùng: Cục Di sản Văn hóa, thanh tra Bộ và các Sở Văn hóa thực hiện việc quản lý nhà nước về tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản và cộng đồng có sự giám sát ngược trở lại đối với các cơ quan quản lý nhà nước,” Tiến sỹ Đặng Văn Bài. Đứng ở góc độ chuyên môn, Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Nếu như ở các lĩnh vực khác, việc thanh tra thường là giai đoạn ‘hậu kiểm’ thì đối với việc bảo tốn di tích, đó phải là khâu ‘tiền kiểm’; bởi với những yêu cầu riêng về tính chân xác, nguyên vẹn… của di tích lịch sử, sẽ rất khó xử lý trong trường hợp người ta đã sửa chữa.” Theo ông, công tác thanh tra cần phải được tiến hành nghiêm ngặt từ khâu lập dự án cho tới thiết kế và suốt quá trình thi công. “Thanh tra văn hóa không chỉ để xử lý vi phạm mà còn nhằm nâng cao nhận thức của những người làm công tác quản lý di tích, di sản và toàn thể nhân dân,” giáo sư nhấn mạnh./.
Theo “Báo cáo hoạt động quản lý và phát huy giá trị di tích” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố sáng 11/6, đến thời điểm hiện nay, trên tổng số khoảng 4 vạn di tích được kiểm kê trên toàn quốc có:
- 7 di sản vật thể được UNESCO vinh danh (gồm 5 di sản văn hóa thế giới và 2 di sản thiên nhiên thế giới).
- 34 di tích quốc gia đặc biệt.
- 3.164 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
- 7.484 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố.
|
Phương Mai (Vietnam+)